top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

ĐIỀU GÌ ĐANG NGĂN TRỞ BẠN THAY ĐỔI?

Một trong những nguyên nhân cực kỳ phổ biến cho sự khổ sở mà mình thường nghe các khách hàng chia sẻ, không phải là họ không có giải pháp cho vấn đề họ đang trải qua, mà chính là họ không có đủ động lực để hiện thực hoá giải pháp ấy.

(1) Một bạn nhân viên nhận thấy công việc của mình đang bị rối tung và bản thân lúc nào cũng bị động, nhưng bạn không bao giờ ngồi xuống để sắp xếp lại công việc của mình sao cho khoa học.

(2) Một bạn nữ hay bị vướng vào các mối quan hệ độc hại, không tôn trọng ranh giới của bạn. Bạn nhận ra điều này nhưng khi người ta nhắn tin/gọi điện tới, bạn vẫn cố phản hồi để rồi thấy cạn kiệt năng lượng sau mỗi lần như vậy.

(3) Một nhân viên văn phòng quyết định khởi nghiệp với nghề tay trái bán hàng online, bạn biết phải làm marketing với sales như nào nhưng bạn cứ mãi không làm. Sau khi đóng cửa shop và chạy qua làm thuê cho người khác (cũng là một shop online), bạn lại lao vào làm những công việc ấy cực kỳ nhiệt tình.

(4) Một người quản lý luôn biết mình cần phải dành nhiều lời động viên cho nhân viên hơn để khích lệ tinh thần làm việc của họ, nhưng rồi rốt cuộc vẫn không làm được.

Trên đây là những trường hợp với các bối cảnh khác hẳn nhau, nhưng lại có một điểm chung: Họ biết họ nên làm gì, nhưng rốt cuộc họ vẫn không hành động và đi đến cùng với ý tưởng ấy.

Lý do là gì?

Mỗi người có một lý do riêng mà phải nói chuyện sâu với họ thì mình mới tìm ra được nguyên nhân. Trường hợp (1) thì hoá ra bạn nhân viên bị phụ thuộc tâm lý vào đồng nghiệp, trường hợp (2) thì bạn nữ luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm với cảm xúc của người khác, trường hợp (3) thì bạn sợ bị đánh giá là khởi nghiệp thất bại nên khi quay sang làm thuê lại thấy an toàn hơn, và trường hợp (4) thì hoá ra người sếp vốn có một tiêu chuẩn quá cao nên cũng chưa bao giờ tự ghi nhận bản thân nữa là ghi nhận người khác.

Tóm lại, vấn đề vẫn luôn là: Bạn không có đủ động lực để hành động, nên dù bạn biết mình phải làm gì thì bạn vẫn chọn không thực hiện điều ấy. Mà bạn còn không ý thức được những thứ sâu xa quyết định động lực của bạn như Giá trị, Ý nghĩa, Thái độ & Nhu cầu của bạn, bởi chúng giống như phần dưới của tảng băng chìm, không hiện lên rõ ràng để bạn gọi tên và giải quyết.



Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên con tàu Titanic và thấy tảng băng trôi trước mặt. Bạn ung dung khi thấy nó có vẻ không lớn lắm, chỉ bằng một nửa kích thước của chiếc tàu là cùng. Tàu của bạn lớn và vững chãi hơn nhiều, bạn tin là mình hoàn toàn có thể lèo lái nó thật tốt kể cả khi nó đâm vào tảng băng.

Bùm, bạn đâm vào tảng băng, và lúc này bạn mới nhận ra nó lớn như thế nào. Bạn không ngờ sự trì hoãn của mình lại là hệ quả của nhiều mâu thuẫn bên trong đến thế. Chả trách bạn biết phải làm gì mà bao năm rồi bạn vẫn không làm. Bạn bắt đầu thấy rối bời và đi tìm kiếm sự trợ giúp.

Nhiều người cho bạn lời khuyên, nhưng những gì họ có thể nhìn ra cũng chính là điều mà bạn dễ dàng thấy được - phần nổi của tảng băng. Lời khuyên buột ra dễ nhất cũng là lời khuyên thừa thãi nhất. Những giải pháp đó, nếu bạn áp dụng được thì bạn đã không để đến tận ngày hôm nay mà vẫn không làm rồi.

Trong những trường hợp này, mình sẽ luôn phải hỏi khách hàng: Điều gì đang ngăn trở bạn thay đổi?

Biết được điều gì đang ngăn trở bạn thay đổi, bạn mới gỡ bỏ mâu thuẫn bên trong được. Khi gỡ bỏ mâu thuẫn ra được rồi, bạn mới có đủ động lực để hành động.

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page