Việc Halle Balley - nữ diễn viên da màu thủ vai Ariel trong bộ phim The Little Mermaid bản live action - bị chê bai ngoại hình, đã diễn ra trong một thời gian rất dài.
Mỗi người có một lí do khác nhau để chê, nhưng tôi thấy không hài lòng nhất với lí do chê: xấu.
Lại còn toàn bị chê bởi người khác chủng tộc.
Có một sự thật là trong tiềm thức người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, màu da thể hiện vị thế trong xã hội. Màu da trắng đại diện cho tầng lớp quyền quý giàu sang, được ở trong nhà nghỉ ngơi, còn da tối màu là do phải ra ngoài nắng làm việc nhiều, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhìn chung là nghèo.
Nên không có gì ngạc nhiên khi ở Việt Nam, nhiều hãng mỹ phẩm, chuyên gia da liễu hùng hồn phát biểu: "Phụ nữ phải cố chăm sóc da để có một làn da trắng hồng" để phục vụ mục đích truyền thông tiếp thị. Điều ấy khiến bao nhiêu bạn nữ vốn sinh ra với làn da ngăm đen, hoặc sống trong những vùng biển đầy nắng gió cảm thấy vô cùng tự ti về ngoại hình của mình. Trong khi các bạn không xấu, và cũng chẳng làm gì sai cả.
Ở Trung Quốc, thậm chí còn có câu “Làn da trắng có thể giúp che đi 100 khuyết điểm khác trên ngoại hình của bạn”. Làn da nhợt nhạt đã trở thành một tiêu chuẩn sắc đẹp ở Trung Quốc trong một thời gian rất dài. Hiện nay, khoảng 40% phụ nữ Trung Quốc thường xuyên sử dụng các sản phẩm làm trắng da theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)(1). Đáng lo ngại, một số sản phẩm làm sáng da của Trung Quốc vẫn chứa thủy ngân có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và do đó đã bị cấm ở Mỹ.
Đây thậm chí còn là vấn đề phân biệt chủng tộc (racism). Nhiều người cứ bảo là không phải phân biệt chủng tộc mà do "xấu thật", "không liên quan tới việc là người da màu", nhưng đừng quên rằng sự phân biệt chủng tộc cũng nằm ở cái cách mà người ta hình thành nên tiêu chuẩn cái đẹp của mỗi giới. Không phải tự dưng mà rất nhiều người châu Á đi thẩm mỹ viện để có mắt to mũi cao da trắng - dù đó là đặc điểm của chủng tộc Caucasians (người da trắng). Sự tiếp xúc với truyền thông của các nước phương Tây (TV, tạp chí, phim ảnh...) khiến chúng ta dần nhận định vẻ đẹp là phải trông như vậy - trông giống người da trắng.
Do đó, làn da trắng, tóc thẳng và đôi mắt sáng màu được coi là những đặc điểm hấp dẫn. Và vì Hollywood chủ yếu kiểm soát các phương tiện truyền thông, nên họ quảng bá tiêu chuẩn cái đẹp đó trên toàn thế giới.
Đó là lý do tại sao nhiều người da màu cố gắng làm da của họ trông trắng, sáng hơn. Đó cũng là lý do tại sao nhiều phụ nữ da đen (tóc xoăn) đi duỗi tóc và đeo kính áp tròng có màu để bản thân trông “trắng hơn”. Họ mong muốn có vẻ ngoài giống người da trắng hơn là người da đen vì tiêu chuẩn cái đẹp của người châu Âu đã được duy trì qua nhiều thế kỷ, thể hiện quyền lực và sự đàn áp của họ (White supremacy).
Còn ở châu Á, theo một nghiên cứu về việc làm trắng làn da của bốn nền văn hoá châu Á - trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông, 44% quảng cáo của Hàn Quốc và 54% của Nhật Bản sử dụng người mẫu da trắng. Ngay cả khi người mẫu địa phương được sử dụng, màu da của những người mẫu này phần lớn cũng là da trắng, nhợt nhạt (2).
Thế nên mới có nhiều người châu Á cố làm cho da mình trắng lên đến vậy. Nói tóm lại, chúng ta cũng có tự tin về màu da của mình lắm đâu mà lại đi mạt sát Ariel da màu?
Comments