Tối hôm qua, trong một phiên coach với một bạn trẻ hiện đang làm trái ngành (làm công việc khác với chuyên môn đã được đào tạo), mình có nghe bạn ấy chia sẻ về nỗi bất an khi bạn luôn cảm thấy kiến thức nền của mình luôn thiếu hụt so với những bạn đang làm đúng chuyên ngành học. Bạn luôn cảm thấy mình đã bỏ lỡ kiến thức mà những người đồng nghiệp đã được trang bị trong 4 năm đại học. Nỗi bất an này lớn đến nỗi nó không chỉ khiến bạn cảm thấy tự ti ở chỗ làm mà còn khiến bạn tự ti trong cả quá trình học tập.
Vì lẽ đó, tiến độ học tập của bạn hết sức phập phù và bạn thậm chí cảm thấy ngại khi nhắc đến. Bạn sợ mọi người phát hiện ra mình hổng kiến thức, sợ mọi người nghĩ rằng mình dốt.
Mình kể cho bạn nghe một câu chuyện hồi mình đi học tiếng Nhật vào năm 2017. Ở trong lớp, có một anh học viên đi học để chuẩn bị sang Nhật cùng vợ (vợ anh đã xuất khẩu lao động sang trước đó 2 năm rồi). Anh ấy bảo với cô giáo: "Cô ạ, em có học đến đâu thì cũng sẽ luôn kém hơn vợ em thôi. Vợ em đã học tiếng Nhật trước em 2 năm rồi mà!"
Cô giáo bảo: "Em nghĩ thế làm gì? Cứ nghĩ là nếu mình cố gắng, sẽ có ngày mình vượt vợ mình được chứ!"
Anh ấy lắc đầu. "Làm sao có chuyện đó được hả cô? Vợ em học tiếng Nhật trước em 2 năm, thì có nghĩa kiến thức sẽ luôn đi trước em 2 năm. Em sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp vợ đâu."
Nhiều người trong chúng ta có tâm lý này - cho rằng nếu như người khác bắt đầu trước mình thì sẽ luôn giỏi hơn mình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc một người có giỏi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nỗ lực, học tập, trải nghiệm, kiên trì, tư duy cũng như cách tiếp cận trong quá trình học tập và phát triển. Người bắt đầu trước bạn có thể có lợi thế về thời gian để học hỏi và phát triển, nhưng không có nghĩa họ ĐANG hơn bạn, chứ chưa nói là SẼ LUÔN hơn bạn.
Một ví dụ đơn giản để chứng minh đều này: Hãy nghĩ tới khi chúng ta mới vào lớp 1. Cùng là một đám học sinh ở một khu vực địa lý, trước năm học chưa ai có kiến thức nền của một bộ môn nào hết. Tất cả đám học sinh này đều bắt đầu ở vạch xuất phát giống nhau. Sau 1 năm học, có bạn xếp loại giỏi, có bạn xếp loại khá, có bạn lại đứng trung bình. Những thứ tự xếp hạng trong lớp cứ liên tục biến động trong các năm học tiếp theo. Không ai đảm bảo được mình sẽ luôn đứng nhất hay đứng bét lớp cả.
Nỗ lực của bạn sẽ quyết định vị trí của bạn. Mà tâm thế của bạn lại quyết định nỗ lực mà bạn sẽ bỏ ra.
"Tâm thế là như nào?" Bạn khách hàng hỏi.
Bạn khách hàng của mình có một nền tiếng Anh rất tốt, vốn là một học sinh học chuyên Anh. Mình mới nói: "Nếu thấy một từ tiếng Anh mà bạn không biết, bạn sẽ làm gì?"
"Tra từ điển thôi. Ai chả làm vậy?" Bạn nói.
"Thế nếu thấy một từ tiếng Đức, bạn sẽ làm gì?"
"Kệ, đằng nào cũng có hiểu đâu mà quan tâm!"
Góc nhìn của bạn khách hàng là góc nhìn của một học sinh chuyên Anh. Do bạn có khả năng tiếng Anh nên bạn luôn sẵn sàng đào sâu và tìm hiểu thêm về thứ ngôn ngữ này. Chúng ta đều có xu hướng quan tâm và tập trung vào những lĩnh vực mà mình có ưu điểm hoặc có khả năng tự nhiên. Khi bạn thấy một vấn đề thuộc vào điểm mạnh hay sở trường của bạn, bạn sẽ thường cảm thấy hứng thú, vô thức muốn đào sâu để tìm hiểu nó nhiều hơn.
Đây là hệ quả của sự tự tin trong bạn. Khi bạn tin rằng mình có khả năng và thành tựu trong một lĩnh vực, cái cảm giác thoả mãn ấy tạo ra sự hứng thú để bạn mày mò nghiên cứu thêm và tìm cách ứng dụng. Vì thế nên những học sinh chuyên Anh sẽ có xu hướng tra từ tiếng Anh mà họ không biết, còn những người cho rằng họ kém trong việc học ngôn ngữ sẽ không buồn quan tâm đến việc dịch ngoại ngữ. Họ sẽ bỏ qua, hoặc đi hỏi người nào đó mà họ cho là giỏi thứ ngôn ngữ này.
Điều đó có nghĩa là gì?
Tâm thế (mindset) đóng một vai trò quan trọng trong cách chúng ta tiếp cận và thể hiện khả năng học tập. Thường chúng ta sở hữu 2 loại tâm thế chính liên quan đến khả năng học tập: "Fixed Mindset" (tâm thế cố định) và "Growth Mindset" (tâm thế phát triển).
1. Fixed Mindset (Tâm thế cố định): Bạn tin rằng khả năng của mình được xác định bởi những yếu tố bẩm sinh và không thay đổi. Khi gặp khó khăn hoặc thất bại, bạn dễ dàng từ bỏ hoặc cảm thấy thất vọng. Bạn cho rằng mình có cố gắng học tập cũng sẽ không thay đổi kết quả.
2. Growth Mindset (Tâm thế phát triển): Bạn tin rằng tư duy và khả năng của mình có thể phát triển thông qua nỗ lực, học hỏi và trải nghiệm. Bạn coi thất bại là một cơ hội để học hỏi và cải thiện. Bạn tin rằng chỉ cần mình cố gắng, mình sẽ thay đổi được tình hình.
Người khách hàng trong câu chuyện mà mình kể bên trên đã sở hữu "tâm thế cố định", cho rằng vì bản thân học trái ngành nên sẽ không bao giờ có thể giỏi bằng những người học đúng ngành. Tâm thế này khiến cho bạn ấy cảm thấy sợ hãi việc học và luôn cảm thấy bất an, lo lắng về kiến thức của bản thân, từ đó lại càng dễ từ bỏ, dễ "giấu dốt", dẫn tới việc không cải thiện được nhiều về khả năng.
Trong khi đó, nếu như bạn ấy tự tạo cho mình một "tâm thế phát triển", tin rằng chỉ cần mình nỗ lực thì rồi sẽ bù được lỗ hổng kiến thức, thậm chí vượt người khác, bạn sẽ nỗ lực hơn rất nhiều. Sự nỗ lực này sẽ mang lại cho bạn những thành quả có khi còn xuất sắc hơn cả những người làm đúng ngành.
Khả năng hay sự tiến bộ của bạn không chỉ được quyết định bởi bằng cấp, điểm số hay lượng kiến thức mà bạn được dạy. Sự nỗ lực và chủ động của bạn trong học tập mới chính là yếu tố quyết định bạn có thành công hay không. Kể cả bạn có phải cố gắng hơn, làm sai và vấp ngã nhiều hơn mọi người, thì mỗi sự vấp ngã đó cũng đều là một bài học lớn. Sai lầm khéo còn đẩy bạn đi nhanh hơn so với những bài học lý thuyết thông thường ở trên lớp.
Vậy nên, đừng mặc cảm nếu như bạn đang học hay làm trái ngành. Đâu ai nói trước được tương lai của mình, đúng không?
Coach Mai Anh
Comments