top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Bạn không thể kiểm soát được việc nói dối?

Mình cứ suy nghĩ mãi không biết có nên chia sẻ câu chuyện này không. Đây là một câu chuyện hơi cá nhân, nhưng mình tin rằng khi bạn đọc, bạn sẽ rút ra được rất nhiều bài học và góc nhìn từ câu chuyện này. Nhân vật trong câu chuyện cũng đã đồng ý để mình viết bài, nên mình quyết định đăng lên cho mọi người tham khảo.

A là một khách hàng của mình. Mình đã làm bạn với A trong thời gian khá lâu để hiểu về tính cách và con người của bạn ấy. Trước giờ A luôn sống vô ưu, vô lo nhưng gần đây có nhiều thay đổi sau khi A nhận được những lời nhận xét rằng người khác cảm nhận được sự yếu đuối, mong manh sâu thẳm bên trong bạn. A cũng nhận thấy bản thân có xu hướng làm hài lòng người khác trong mọi trường hợp.



Thời gian gần đây, A gặp trục trặc trong các mối quan hệ. Sau khi nói chuyện với A, mình nhận ra A có xu hướng nói dối ở nhiều tình huống trong cuộc sống, và nói dối một cách không cần thiết. Ví dụ, khi sang nhà bạn chơi qua đêm, A không muốn gia đình lo lắng nên sẽ luôn nghĩ ra một câu chuyện với rất nhiều tình tiết được thêm thắt, trong khi hầu hết mọi người sẽ chọn việc kể ra sự thật. Hoặc có nhiều sự thật về bản thân mà A không bao giờ dám kể cho bạn bè; A sẽ luôn nghĩ ra những lý do để hợp lý hoá câu chuyện của mình để bạn bè không thắc mắc cho hành vi của A. Và điều lạ lùng nhất là A cũng không ý thức được vì sao mình lại phải nói dối, cũng không biết từ bao giờ nó đã trở thành một phản xạ có điều kiện của bạn.

"Vì sao không nói sự thật?" Mình hỏi.

"Vì tôi sợ." A trả lời.

Mình cảm nhận được rằng việc nói dối có thể là một cơ chế phòng vệ của A, hòng xoa dịu một cảm giác bất an nào đó luôn thường trực bên trong bạn. Mình cho A làm bài tập xác định giá trị cốt lõi của bản thân.

Sau khi đắn đo rất nhiều, A đã quyết định chọn giá trị Tinh tế. Bạn định nghĩa giá trị này như sau: "Sự tinh tế là khả năng nhìn ra những điều nhỏ nhặt được giấu kín, quan trọng là để dung hoà các mối quan hệ xung quanh mình, giúp mình có sự quan tâm phù hợp đúng mức độ."

Mình nhận thấy được một sự tương đồng giữa định nghĩa này và xu hướng hành vi của A. Thế rồi, A đột nhiên khóc và kể cho mình một câu chuyện mà trước giờ bạn gần như giấu kín với mọi người xung quanh.

Hồi A còn nhỏ, có một lần người bác của A ốm và nằm liệt giường. Trong khoảng thời gian ấy, một người con trai của bác - anh họ của A - không may qua đời. Mọi người trong nhà đi đám tang anh họ của A, còn A thì chơi ở nhà bác.

Khi cô hàng xóm qua nhà và hỏi A rằng "Mẹ con đâu?", A đã trả lời "Mẹ con đi đám tang của anh X". Sau đó, A nghe thấy người bác đang nằm trên giường bên trong nhà kêu lên một tiếng thảng thốt.

Một thời gian ngắn sau, người bác ấy qua đời. A nghe được một người họ hàng nói: "Nếu không do A nói thì bác đã không buồn mà ra đi sớm như vậy."

A đã sống hơn hai chục năm với suy nghĩ rằng, chỉ vì mình nói ra sự thật ngày hôm ấy nên bác mới ra đi. Từ đó, A luôn có xu hướng cẩn trọng với sự thật, luôn chỉ sợ mình sẽ nói ra một sự thật nào đó gây tổn thương người khác. A luôn nghĩ ra rất nhanh những câu chuyện không có thật để giải thích với những người xung quanh về hành vi của mình, bởi bạn luôn ám ảnh rằng những người xung quanh sẽ không chịu nổi sự thật, sẽ bị tổn thương bởi bạn, và sẽ lặp lại câu chuyện như với người bác năm nào.

A vô thức coi đó là sự tinh tế.

Mình đã hỗ trợ để A có thể đưa tâm trí quay trở lại thời điểm sự việc kia xảy ra, để bạn có một cái nhìn khách quan nhất về sự việc. Đây là một phiên coach mà mình tập trung vào việc: Phá bỏ niềm tin giới hạn của khách hàng. Chỉ có phá bỏ được những niềm tin giới hạn này, diễn giải lại sự kiện theo một cách khác, A mới có khả năng thay đổi được tư duy và hành vi của bản thân.

Sau khi liên tục trốn tránh, không chịu nổi sự đau khổ của việc nhớ lại quá khứ, A rốt cuộc cũng vượt qua được cảm giác tội lỗi và đau khổ mà đi đến quá trình chấp nhận: Khi ấy tôi chỉ là một đứa trẻ. Tôi không chủ đích gây ra sự việc trên. Tôi xứng đáng được tha thứ.

Đây chính là quá trình gỡ bỏ nút thắt tâm lý, mà A bắt buộc phải trải qua thì mới có thể bỏ lại sự ám ảnh về quá khứ để chấp nhận bản thân, dám sống với sự thật và thể hiện ra con người của mình với người khác.

Đến cuối phiên coach, mình hỏi: "Thế giờ bạn có muốn lựa chọn lại giá trị cốt lõi của mình không?"

"Tôi lựa chọn sự Tử tế." A nói. "Đối xử hết lòng với bản thân và với những người xung quanh. Đó mới là những gì quan trọng với tôi từ bây giờ."

Từ lúc này, A đã bắt đầu có thể lựa chọn một tương lai mới cho mình.

Nếu bạn thấy hình ảnh mình ở trong A, hãy book một phiên coach với mình nhé!

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Kommentare


bottom of page