top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Cá vàng trong bể tròn

Từng có một câu chuyện thế này: Một dạo nọ người ta xôn xao bàn tán về việc nuôi cá vàng trong bể thuỷ tinh tròn là vô nhân đạo, vì nó sẽ khiến con cá nhìn hiện thực bị cong, méo mó, không đúng sự thật.

Giữa cuộc tranh luận ấy, một nhà vật lý đã nói: "Thế nhưng chắc gì cách mà chúng ta nhìn hiện thực đã là chính xác?"



Đã có không ít người hỏi mình, bao gồm cả bạn bè lẫn đồng nghiệp: "Nhỡ trong phiên coach mà khách hàng đưa ra quan điểm trái với quan điểm của mình, thì phải làm sao?"

"Liên quan gì đến mình đâu mà làm sao?" Mình nói.

"Thế nhưng mình cảm thấy bực tức, thì làm sao kiểm soát cơn tức giận ấy được?"

Đây là vấn đề của tất cả chúng ta: Mang thế giới quan của mình ra làm thước đo tiêu chuẩn đánh giá người khác. Chúng ta dễ dàng tin rằng "Quan điểm của tôi chính là thực tế, là chân lý."

Tuy nhiên, quan điểm của bạn là cách bạn nhìn thế giới thôi. Nó được định hình bởi giá trị trong gia đình, giáo dục, văn hoá, xã hội, kinh nghiệm sống, tâm trạng hiện tại của bạn, bởi cả những giả định mà bạn đưa vào một tình huống và rất nhiều thứ khác.

Còn thực tế, là một thực tại khách quan - thứ mà bạn sẽ không bao giờ thấy được bằng mắt thường. Mỗi người sẽ nhìn cuộc sống với một thực tế khác nhau, và do ai cũng cho rằng mọi người sẽ (phải) nhìn vấn đề như mình nên họ dễ dàng cảm thấy tức giận nếu như một người nói lên một góc nhìn/quan điểm khác. "Vậy ra bạn cho rằng tôi nói sai? Tôi nói dối sao? Hay là tôi ngu ngốc?"

Cái tôi của bạn đã bị tổn thương. Bạn không thể chấp nhận nổi việc ấy. Bạn cảm thấy bị tấn công, bị xúc phạm. Trong khi đối phương chỉ đơn giản nói ra điều mà họ nghĩ.

Đây là câu chuyện không của riêng ai. Chúng ta đều từng là nạn nhân, cũng từng là người gây chiến. Đôi khi chúng ta nhận ra mình sai, đôi khi không thừa nhận. Đôi khi tranh luận xong xuôi rồi bạn mới thấy nó vô nghĩa, nhưng quan điểm của bạn thì vẫn phải đúng. Nếu không đúng thì chẳng lẽ bạn thừa nhận mình ngu ngốc?

Nhưng có ai bảo rằng bạn ngu ngốc đâu?

Bản thân mình là một cá nhân, mình cũng có thế giới quan và tiêu chuẩn sống riêng. Tuy nhiên, mình biết rằng có nhiều thế giới quan và tiêu chuẩn sống khác ở ngoài kia, ngay trong xã hội này, và cả ở những xã hội khác nữa. Càng khác nhau về chủng tộc, văn hoá, chúng ta lại càng khác nhau về hệ giá trị và lối sống. Nhưng mình biết sự tồn tại của những thứ khác mình đó, và mình chấp nhận điều ấy là bình thường. Khi không đưa bản thân làm trung tâm của mọi sự nữa, mình không có nhu cầu cảm thấy tức giận hay phẫn nộ khi nghe một người nói ra điều gì trái với quan điểm của mình. Bởi có ảnh hưởng gì tới mình đâu?

Trước đây, mình từng không thích một lối sống. Do không thể hiểu nổi và chấp nhận nó được nên mình đã tìm và follow một trong blog nói về lối sống đó, đọc không bỏ sót bài nào, đến giờ đã ròng rã 2 năm. Mình vẫn sẽ không chọn sống theo kiểu đó vì nó trái với thiên hướng của mình, nhưng mình đã nắm được tư duy và triết lý của những người sống như vậy, và mình đã có một cái nhìn thấu hiểu và bao dung với họ. Có thấu hiểu và bao dung thì mình mới tự cho mình quyền đánh giá và so sánh lối sống ấy với những lối sống khác, nhìn ra được mặt tích cực, tiêu cực của họ một cách trung lập nhất.

Còn nếu chưa tìm hiểu mà đã đưa ra đánh giá, phán xét, tự nhận bản thân "biết thừa" một ai đó hay một điều gì đó chỉ qua phỏng đoán, thì mình coi người đó chẳng khác gì những người tỏ lòng xót xa cho con cá vàng trong bể kính tròn cả.

---

Nếu bạn hứng thú với việc cải thiện giao tiếp, giải quyết xung đột thì hẵng đăng ký khoá học "Giao tiếp hiệu quả" của mình nhé! Khoá học sẽ dạy về các kỹ năng lắng nghe, đưa phản hồi, đặt câu hỏi, có áp dụng phương pháp coaching để xử lý tình huống, dành cho mọi độ tuổi nha!

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page