top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Có mỗi việc ăn với học mà cũng không xong?

Ngày hôm qua ngồi thu tập podcast thứ 5 trong series #Confidence, mình với trợ lý có ngồi bàn luận về tính đúng - sai trong câu nói của cha mẹ với con cái “Có mỗi việc ăn với học mà cũng không xong”, hay "Bố mẹ vất vả đi làm nuôi con còn chưa kêu ca, thì con kêu cái gì?”



Thực ra, xét trên một góc nhìn khách quan và dựa trên số lượng đầu việc thì câu nói trên của cha mẹ không hề sai. Khi chúng ta - những đứa con đã bắt đầu lớn lên, phải tự thân vận động, đi làm kiếm tiền nuôi bản thân, công việc ngập đầu không thở được cũng không dám kêu ai, thì chúng ta mới nhận ra những áp lực học hành bạn bè khi xưa mình kêu ca chỉ là chuyện vặt vãnh. Khối lượng bài tập và công việc phải làm của một học sinh trung bình thực sự là quá nhỏ nhặt so với những đầu việc và áp lực của một người đi làm.

Học sinh có thể nghỉ ốm, nghỉ đi chơi, đi du lịch hay nghỉ hè một cách thoải mái vì dù sao sự học là một quá trình, tạm thời dừng lại một vài ngày cũng không sao. Còn với người đã đi làm rồi, thì dù có những kỳ nghỉ thật nhưng gần như chẳng bao giờ có thể hoàn toàn trút bỏ trách nhiệm công việc sang một bên để có thể trọn vẹn tận hưởng kỳ nghỉ của mình. Với vai trò là học sinh, chúng ta có thể tạm thời gác lại sự học trong vài ngày mà không ảnh hưởng tới ai, thì với vai trò người đi làm, nếu công việc bị gác lại một vài ngày sẽ có thể ảnh hưởng tới cả hệ thống, tới đồng nghiệp, tới đối tác,... và không ai ngoài chính chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những hệ quả này sau đó.

Thế nhưng, liệu rằng khối lượng công việc ít hơn có đồng nghĩa với áp lực ít hơn? Liệu rằng học sinh ít việc hơn thì có đồng nghĩa với việc áp lực mà các em trải qua sẽ nhẹ nhàng hơn không?

Mình còn nhớ trong lớp Nghiên cứu định tính (Qualitative Research), giáo sư từng nói rằng để đo lường chính xác những thứ mang tính chủ quan như cảm xúc, trải nghiệm hay bài học thì con số chẳng nói lên được nhiều, mà người nghiên cứu phải phỏng vấn sâu từng cá nhân mới biết được cách họ nhận định và tư duy về vấn đề. Áp lực hay nỗi đau là những thứ mang tính chủ quan, chỉ do cá nhân cảm nhận và biết được, vì vậy chẳng có nghĩa gì khi ta đem nỗi đau của người này so với nỗi đau của người kia. Nếu cuộc hội thoại đi theo hướng đó thì chỉ tổ lãng phí thời gian khi mỗi bên giống như đang nói một ngôn ngữ riêng, kết cục là không ai hiểu ai cả, dẫn tới mâu thuẫn và khó chịu.

Bản thân chúng ta cũng rất dễ dàng quên đi những lo âu, mệt mỏi mà mình đã trải qua ở một thời điểm nào đó trước đây. Có một hiện tượng tâm lý gọi là "Fading affect bias" (hiện tượng mờ nhạt thành kiến), chỉ ra rằng những ký ức tồi tệ biến mất nhanh hơn những ký ức tốt đẹp, bởi những ký ức tích cực thường có ảnh hưởng cảm xúc mạnh mẽ hơn những ký ức tiêu cực. Tiến sĩ Coleman - một nhà trị liệu ở Houston chuyên về mối quan hệ giữa các cá nhân và danh tính, cũng đã nói: “Chúng ta cần rất nhiều năng lượng nhận thức để hồi tưởng lại tất cả những điều tiêu cực, mối đe dọa và nỗi sợ hãi trong quá khứ, vì vậy chúng ta đơn giản chỉ tự nhủ với mình: 'Hồi ấy không tệ đến thế đâu!"

Bản thân chúng ta, do đó, rất dễ dàng để quên đi những áp lực đã trải qua hồi còn đi học. Ví dụ mỗi khi nghĩ về thời đi học, mình sẽ nhớ chủ yếu về bạn bè, về những ngày đạp xe đi dọc hàng bằng lăng tím và những cuộc nói chuyện về ước mơ, cuộc sống, nhân sinh. Áp lực hồi ấy thì chắc chắn là có, rất nhiều là đằng khác, nhưng khi đã vượt qua rồi thì quẳng gánh mà đi tiếp chứ ghi nhớ trong lòng mãi làm gì? Thế là khi lớn lên, chúng ta vô tình ta coi nhẹ chính những áp lực mà mình từng trải qua, và vô tình coi nhẹ luôn cả những áp lực mà thế hệ sau đang phải vật lộn từng ngày.

Mỗi khi trở về thăm nhà, chứng kiến em trai đang ngập ngụa trong đống bài tập và than vãn về áp lực đang phải chịu, mình đều tự nhắc nhở bản thân về điều này. Có thể các bạn học sinh không phải xử lý khối lượng công việc nhiều như người đi làm, nhưng khả năng và sức chịu đựng của những bạn trẻ ấy mới chỉ ở mức ở-trên-ghế-nhà-trường thôi. Con người ta không thể nào ngay lập tức chịu được một đống những áp lực và kỳ vọng, trách nhiệm mà xã hội đổ lên mình. Mỗi người đều phải học và thích nghi dần dần để nâng cao sức mạnh tinh thần và sức bền.



Những đứa trẻ còn đang đi học sẽ phải cố gắng chống chọi với những áp lực từ bài vở của chúng; người mới đi làm sẽ chịu những áp lực của việc chưa được ghi nhận, thu nhập thấp, không biết quản lý công việc. Những người đã lên làm sếp rồi thì lại lo áp lực quản trị, tạo động lực cho nhân viên, kết nối đội nhóm. Chúng ta đều liên tục phải rèn luyện sức mạnh tinh thần của mình để chống chọi trong những bối cảnh khác nhau, và có vượt qua rồi thì hiện tại mới có thể ung dung mà nói với những người ít tuổi hơn mình rằng “không sao đâu, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi.”

Thế nhưng, những người chưa từng trải sẽ không biết rằng họ có vượt qua được những áp lực mà họ đang phải đối mặt hay không. Họ vẫn đang trong quá trình vật lộn, một vài người thậm chí còn đã gục ngã. Áp lực và nỗi đau chỉ mang tính chủ quan, chẳng thể nào đo lường được, thế nên chỉ có cá nhân sở hữu nỗi đau ấy mới hiểu rõ họ đang muốn gì, và đang cần làm gì để giải quyết.

Một số người âm thầm chịu đựng những áp lực tinh thần này, một số tìm đến những nguồn trợ giúp truyền thống như bạn bè, gia đình để được an ủi, một vài người lại tìm đến chuyên gia để được giúp đỡ. Không có cách làm nào là đúng hay sai, bởi nó phụ thuộc vào tài nguyên mà mỗi người sở hữu, và kết cục cũng sẽ chỉ có cá nhân đó hưởng hoặc chịu đựng.

Mỗi thời đại sẽ có những đặc điểm riêng, hình thành bởi hoàn cảnh của thời ấy, tạo ra những con người với nhiều điểm tương đồng. Khi thời thế và hoàn cảnh thay đổi, con người cũng thay đổi, khiến cho thế hệ sau mang những lối sống và tư duy khác hẳn thế hệ trước. Thế hệ trước hiểu rõ đấu tranh và hy sinh cho độc lập tự do là như thế nào, thế hệ này hiểu rõ sự cô độc trong thời đại công nghệ ra sao. Khát khao nào mạnh hơn? Hay nỗi đau nào lớn hơn? Mọi sự so sánh đều là khập khiễng.

Chỉ biết rằng, không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào, hay áp lực nào to hơn áp lực nào. Từng người trong chúng ta chỉ cố gắng sống và làm tốt nhất những gì có thể trong cuộc đời này thôi.


Coach Mai Anh

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page