top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Coach không kéo, không đẩy, mà đồng hành

Hôm qua trong lúc chạy, mình kêu ca đau người rồi uể oải. PT thấy vậy hối mình "Cố lên, chạy đi!" nhưng mình lại càng rệu rã, rồi chuyển sang đi bộ chứ không chạy nổi nữa Thấy thế, PT không nói gì, bước lên máy tập bên cạnh, chạy cùng mình.

Nhìn thấy PT chạy, tự dưng mình cảm thấy... có đồng đội. Mình bắt đầu đi bình thường, không còn rệu rã nữa, rồi tự dưng có một cảm giác được thúc đẩy để chạy nhanh bằng người bên cạnh. Cứ thế, cơn mệt biến mất từ lúc nào không biết, mình chạy với vận tốc bằng PT luôn.



Nguyên cả quá trình này mình quan sát rất kỹ. Từ lúc PT bước lên máy tập là mình đã biết dụng ý của bạn ấy, và mình đã có cơ hội quan sát kỹ càng cái quá trình động lực trong mình được khơi dậy.

Mình nghĩ tâm lý mình khi ấy có thể giải thích bằng hiệu ứng Köhler: một cá nhân sẽ cố gắng hơn khi họ ở trong một nhóm nào đấy. Nguyên nhân tạo ra hiệu ứng Köhler, theo các nhà nghiên cứu, có thể được giải thích bởi Thuyết So sánh Xã hội (Social Comparison Theory): cá nhân luôn tự so sánh bản thân với người khác, do vậy theo hướng tích cực thì họ sẽ có thêm động lực để cố gắng, còn tiêu cực thì họ sẽ luôn cảm thấy ghen tị và tội lỗi khi thấy mình kém hơn.

Từ đó có thể thấy, theo khía cạnh tích cực thì khi có một người bạn đồng hành, hoặc đơn giản là một người mà chúng ta có thể so sánh bản thân với, chúng ta sẽ có xu hướng cố gắng để đạt kết quả tốt hơn so với khi chỉ làm việc một mình. Nỗ lực của người kia sẽ như một tấm gương để chúng ta tự soi chiếu bản thân, để từ đó ta cố gắng nhiều hơn nữa hòng đạt được như họ.

Câu chuyện này khiến mình nhớ tới chuyến đi thám hiểm Tú Làn. Khi leo núi thấm mệt, mình được người hỗ trợ kéo tay đi nhưng mình càng được kéo càng cảm thấy kiệt sức. Sau một hồi vật vã, mình đã bỏ tay người hỗ trợ ra để chạy lên phía trên cùng, cố gắng trở thành một phần của tốp dẫn đầu. Khi ấy, đối tượng mà mình so sánh với bản thân là những người đang đi đầu nên mình cố gắng giữ tốc độ nhanh bằng họ. Năng lượng leo núi trong mình tự dưng trở nên vô cùng nhiệt huyết, không còn thấy mệt nữa.

Bài học mà mình rút ra cho bản thân là: Mình sẽ làm việc hiệu quả hơn khi mình chủ động. Hoặc là tự đi một mình, hoặc là có người đi cùng. Chứ không cần người kéo lê lết.

Cơ chế này cũng giống như nghề coaching: Khơi gợi động lực nơi khách hàng, rồi để khách hàng tự đi. Không kéo. Không đẩy. Không cho lên tên lửa rồi châm ngòi. Nhỡ bay ra Vũ trụ rồi biến mất tăm thì chịu.

Dĩ nhiên, mỗi người mỗi khác. Có người thực sự cần được kéo đi. Có người lại muốn nghe khiêu khích để cố gắng. Có người lại bị ám ảnh với thành công của người khác đến mức tự ti. Và chúng ta của mỗi thời điểm, với mỗi vấn đề cũng sẽ cần tới những sự hỗ trợ khác nhau.

Quan trọng nhất là chúng ta hiểu bản thân và xu hướng của mình, khai thác đúng người - đúng thời điểm để đạt được kết quả tốt nhất.



Đọc thêm về hiệu ứng Köhler tại đây: (1) https://www.britannica.com/science/Kohler-effect

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page