Hôm trước mình đọc được một bài chia sẻ trên trang NEU Confessions. Bài chia sẻ kể về một người con dâu mới sinh con, đêm phải thức trông con nhưng mới chợp mắt được một lát là 5 giờ sáng mẹ chồng đã dậy băm hành tỏi "cốc cốc" để nấu ăn cho con trai đi làm. Dù cô con dâu có ý kiến và đã cố nghĩ ra những phương án để xử lý chuyện này nhưng bà mẹ chồng vẫn đều đặn 5 giờ sáng "cốc cốc" băm hành tỏi nấu nướng. Dần dà cô con dâu rơi vào trạng thái trầm cảm vì phát điên lên với tiếng "cốc cốc" đó.
Theo góc nhìn của mình, bài chia sẻ ấy củng cố thêm cái luận điểm rằng có những chi tiết/ hành động kể ra thì nhỏ nhặt nhưng nếu nó chọc đúng vào nỗi đau và có xu hướng lặp lại nhiều lần thì người ta hoàn toàn có thể phát điên vì nó. Tự dưng mình liên tưởng đến phương pháp tra tấn có tên "Giọt nước tử thần" - có thể kiến tù nhân bỏ mạng trong vài giờ đồng hồ.
Ban đầu, người ta cho nước nhỏ giọt lên các bộ phận có độ nhạy cảm cao trên cơ thể tù nhân để đo mức độ tác động. Về sau, trán là nơi người ta dùng nhiều nhất để tra tấn, vì đây là nơi tù nhân có thể nhìn thấy giọt nước rơi và tác động lên trán họ. Thời gian ngắn thì không sao nhưng sau 1 thời gian dài, việc lặp đi lặp lại này khiến tù nhân chỉ nhận thức được giọt nước duy nhất ở một chỗ, mỗi giọt nước sẽ như một nhát búa đập vào thanh kim loại khi rơi xuống hộp sọ. Việc này khiến người ta phát điên, phát khùng, thậm chí tử vong.
Sự lo lắng của con người giống như những giọt nước chảy giọt kia. Dù mới đầu có có vẻ vô hại, nhưng qua thời gian, sự lo lắng tích tụ, ứ đọng và gây nên hàng loạt các bệnh nguy hiểm không chỉ với tinh thần mà còn cả thể xác, như suy giảm hệ miễn dịch, giảm trí nhớ, rối loạn tiêu hóa, lão hóa nhanh hơn,...
Vậy nên, nếu như ta nghe câu chuyện của một người mà kết luận rằng "có mỗi việc... mà cũng..." thì chỉ chứng tỏ là ta không hề đặt mình vào vị trí của người kể, và thiếu đi khả năng đồng cảm với người khác.
Comments