Một show giải trí của Nhật đã đưa ra thử nghiệm: Cho một anh chàng đẹp trai khen ngợi một cô gái với ngoại hình bình thường trong suốt 50 ngày.
Kyoka (21 tuổi) là cô gái tham gia thử nghiệm. Cô luôn rất tự ti về ngoại hình của mình, tự nhận mình mũm mĩm và xấu xí, đồng thời từng rất tổn thương do bị bạn bè chế giễu về vẻ ngoài. Cô luôn đeo khẩu trang để che mặt.
Đội ngũ sản xuất chương trình đã đề xuất Kyoka nên học tiếng Ý trong vòng 50 ngày để gia tăng sự tự tin. Thực chất, chương trình đã mời một người mẫu lai Ý về chỉ dạy cho Kyoka, đồng thời thực hiện mục đích chính là khen ngợi chứ không phải học tiếng. Kyoka không hề nhận ra đây là một cuộc thử nghiệm.
Trong suốt 50 ngày, nam người mẫu luôn trò chuyện với Kyoka, khen ngợi tính cách và vẻ ngoài đáng yêu của cô gái, khen cả khả năng tiếng Ý của cô.
Sau 50 ngày, Kyoka đã tháo khẩu trang khi ra ngoài đường, thích chụp ảnh và trở nên tự tin hơn rất nhiều về vẻ ngoài. Cô cũng bắt đầu hứng thú với việc trang điểm và tính cách cũng tươi sáng hơn rất nhiều.
Nguồn: VKR News
Hành trình lột xác của cô gái trong bài chính là Hiệu ứng Pygmalion (hay còn gọi là Hiệu ứng Rosenthal). Đây là một hiện tượng tâm lý, trong đó người được kỳ vọng cao thường sau đó sẽ cải thiện hiệu suất trong một lĩnh vực nhất định, và người được kỳ vọng thấp sẽ thường đạt kết quả tồi tệ hơn sau đó.
Hiệu ứng này được đặt tên theo thần thoại Hy Lạp về Hoàng tử Síp – Pygmalion, đã tạo ra một bức tượng ngà khắc họa người phụ nữ lý tưởng của mình và đặt tên là Galatea. Từ khi có Galatea, Pygmalion vui sướng, ngày ngày bầu bạn, âu yếm nàng. Pygmalion đem lòng yêu sâu sắc tác phẩm của chính mình và tha thiết khẩn cầu thần Vệ Nữ ban cho Galatea hơi thở sự sống. Cảm động trước tài năng và tình yêu chân thành của Pygmalion, thần Vệ Nữ đã hóa phép cho bức tượng biến thành người thật. Ước mơ toại nguyện, nàng Galatea xinh đẹp trở thành vợ chàng Pygmalion và hai người sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Hiệu ứng Pygmalion nói về việc khi chúng ta tin một điều gì đó hết sức mãnh liệt, chúng ta sẽ biến điều đó thành sự thật.
Hai nhà tâm lý học là Rosenthal và Jacobson đã chứng minh hiệu ứng Pygmalion vào năm 1968. Họ tiến hành một thí nghiệm ở một trường tiểu học tại San Francisco. Các học sinh đều được kiểm tra trí thông minh. Sau đó, Rosenthal và Jacobson thông báo cho các giáo viên trong trường tên của 20% học sinh “có tiềm năng cho sự phát triển trí tuệ”. Sau đó 8 tháng, nhóm sinh viên có tên trong danh sách 20% học sinh kia đều có kết quả học tập cao hơn đáng kể sao với bài kiểm tra 8 tháng trước.
Điều mà các giáo viên và học sinh không hề biết, chính là những học sinh trong top 20% ấy đều được chọn ngẫu nhiên, không liên quan đến kết quả kiểm tra trí thông minh trước kia.
Thí nghiệm của Rosenthal và Jacobson đã chứng minh hiện tượng Self-fulling Prophecy (lời tiên tri tự hoàn thành), cho thấy rằng niềm tin của chúng ta có sức mạnh vô cùng to lớn. Những lời tiên tri trở thành sự thật không phải vì nó được định sẵn như vậy, mà là vì chúng ta tin rằng nó sẽ trở nên như vậy.
Hiệu ứng Pygmalion được xem như một bí quyết quan trọng trong giáo dục và quản lý nhân sự. Nếu giáo viên tin rằng học một học sinh “thông minh”, họ sẽ thể hiện các kỳ vọng của mình thông qua lời nói, hành động hay một cách vô thức thông qua ngôn ngữ cơ thể theo cách khuyến khích học sinh đó đạt được sự đánh giá ban đầu của mình (mặc dù các giáo viên đều cố gắng đối xử công bằng với tất cả các học sinh nhưng không thể tránh khỏi những lời nói và hành động thiên vị vô thức được). Tương tự như vậy, nếu nhà lãnh đạo tin rằng nhân viên nào có khả năng và mong muốn đóng góp tích cực trong công việc, thì bằng một cách ý thức hoặc vô thức, họ cũng sẽ gửi đi những thông điệp ghi nhận và truyền cảm hứng cho nhân viên đó, dẫn tới việc gia tăng hiệu suất làm việc của người nhân viên.
Càng đi lâu cùng với nghề coaching, mình càng phải công nhận sức mạnh của niềm tin. Niềm tin có thể dẫn chúng ta đi đến thành công rực rỡ, nhưng cũng có thể nhấn chìm ta xuống vực sâu. Và thường thì chúng ta còn không ý thức được mình đang có một niềm tin như thế.
Hôm trước mình xem Inception trên Netflix. Đó là một bộ phim rất hay về tâm lý học, nói về việc khi một ý niệm (idea) được hình thành trong đầu chúng ta, thậm chí ngay cả khi nó không đúng thực tế, nó vẫn sẽ được cài cắm sâu trong chúng ta, và từng giây từng phút dẫn chúng ta đến việc thực hiện những hành động khiến cho ý niệm ấy trở thành sự thật. Đây là một kiến thức tuyệt vời nếu như chúng ta biết cách tận dụng để biến những ý tưởng hay ho trở thành sự thật, và cũng đồng thời là một cái bẫy nguy hiểm nếu như chúng ta cứ thả trôi mình đi theo những niềm tin giới hạn, niềm tin tiêu cực về bản thân.
Chính vì vậy, trong các phiên coach, trong các buổi workshop và talkshow, mình rất hay nói về tầm quan trọng của việc vượt lên niềm tin giới hạn. Mình còn xây dựng một khoá học chỉ để nói về niềm tin giới hạn và lý giải vì sao nó cài cắm, điều khiển cuộc sống của chúng ta nhiều đến vậy. Như cô bé Kyoka trong show giải trí Nhật Bản kia luôn tin rằng bản thân mình xấu xí và sẽ bị người đời chế giễu, cô bé trở nên tự ti đến nỗi luôn đeo khẩu trang và không muốn trang điểm. Vậy mà sau khi được khen ngợi liên tục, cô bé lại dần tin rằng mình thực sự xinh đẹp. Cô bé chủ động bỏ khẩu trang, trang điểm và thay đổi phong cách; cô bé thực sự đã trở nên ưa nhìn và tươi sáng hơn rất nhiều so với ngày trước. Nhờ được ghi nhận liên tục - dù có đúng thực tế hay không - cô bé Kyoka dần tin vào sự ghi nhận ấy và cuối cùng đã vượt qua được niềm tin giới hạn về ngoại hình của bản thân.
Vậy sao chúng ta không chủ động hình thành những niềm tin tích cực cho mình hàng ngày? Sao chúng ta không chủ động khen ngợi mình? Không phải lúc nào cũng có một anh người mẫu lai Ý đến khen ngợi bạn trong 50 ngày đâu.
Coach Mai Anh
Comments