Nhiều bạn tìm đến mình để hỏi về câu: "Làm thế nào để tôi biết bản thân mình có giá trị gì?"
Thời gian đầu mình khá ngạc nhiên trước câu hỏi này. Chẳng lẽ bạn chưa từng nghĩ tới giá trị của bản thân là gì trước đây? Nhưng càng về sau, càng nhiều người hỏi, thì mình nhận ra đây không phải một câu hỏi quá bất thường hay gây sốc.
Rất nhiều người trong chúng ta sống mà không biết được giá trị của mình là gì.
Để trả lời được câu hỏi này không phải đơn giản. Mình sẽ khai vấn để giúp bạn tìm ra được câu trả lời chứ không thể đưa ra lời khuyên, bởi câu hỏi này mang tính chủ quan, và bạn là người duy nhất có thể tìm ra câu trả lời. Mình sẽ gợi ý một vài cách thức để bạn có thể khám phá bản thân để hiểu thêm về giá trị của mình như sau:
1. Hãy tự đặt câu hỏi về những gì bạn thực sự quan tâm, những sở thích, mục tiêu và giá trị cá nhân mà bạn nắm giữ. Bạn hẳn phải có một vài sở thích và mục tiêu nào đó chứ, đúng không?
2. Khả năng của bạn là gì? Bạn hãy xem xét những kỹ năng và tài năng mà mình có. Sở trường của bạn là gì? Hồi còn đi học, bạn thường giỏi những môn gì? Bạn hay được ngợi khen vì điều gì? Điều này có thể giúp bạn nhận ra giá trị đặc biệt mà bạn có thể mang đến cho người khác, đồng thời xác định được những lĩnh vực bạn muốn phát triển.
3. Ghi nhận những thành tựu đã đạt được. Đây là điều mà những người tự ti hay bỏ qua, hoặc coi là nó "tầm thường thôi", dẫn tới việc họ dễ dàng thấy bản thân thất bại, kém cỏi. Hãy công tâm ghi nhận những thành tựu mà bạn đã đạt được trong quá khứ. Đó có thể là thành công trong công việc, học tập, quan hệ cá nhân hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác trong cuộc sống của bạn. Nhìn lại những thành tựu này sẽ giúp bạn khẳng định được những khả năng của bản thân. Bạn sẽ cảm thấy tự hào hơn về bản thân mình, từ đó dễ dàng nhìn ra những giá trị tích cực mà mình nắm giữ.
4. Lắng nghe ý kiến từ người khác. Ý kiến của người khác luôn là con dao hai lưỡi, có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ nhưng cũng có thể huỷ diệt bạn. Vì vậy, hãy cẩn trọng khi chọn người để hỏi ý kiến. Đó không nên là người luôn có thái độ tiêu cực, người luôn chỉ trích, hoặc là người vốn coi thường bạn/ngưỡng mộ bạn quá đà (tiêu cực quá hay tích cực quá cũng không tốt mà).
Thỉnh thoảng, hãy xin ý kiến từ những người gần gũi với bạn, như gia đình, bạn bè, hoặc đồng nghiệp, với những câu hỏi trung lập như "Ba từ mà bạn muốn mô tả về tôi là gì?", "Bạn thấy tôi có điểm mạnh và điểm yếu nào?", hoặc trừu tượng hơn thì "Khi nghĩ tới tôi, bạn liên tưởng tới loài động vật nào?" Những người xung quanh ấy có thể cung cấp cho bạn những góc nhìn bên ngoài về giá trị của bạn, và những ảnh hưởng tích cực mà bạn đã mang lại cho cuộc sống của họ.
5. Tìm một người Coach. Coach sẽ giúp bạn đi trên hành trình khám phá bản thân một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn, giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với khi bạn làm một mình. Đã có nhiều bạn nói rằng họ không tin nổi là bản thân đã thay đổi nhanh đến vậy chỉ sau một thời gian ngắn đi cùng Coach, so với 2-3 chục năm họ tự chật vật tìm câu trả lời nhưng không đi đến đâu cả.
Tuy nhiên, bạn cũng nên ghi nhớ rằng việc khám phá bản thân là một hành trình khá dài và có thể gặp nhiều chông gai, bạn lại chỉ có thể học được từ chính bạn bởi công thức của mỗi người lại khác nhau. Có thể bạn sẽ không tìm ra câu trả lời sau 100 ngày, nhưng biết đâu đến ngày thứ 101 bạn lại tìm ra câu trả lời thì sao?
Do đó, hãy cho phép mình kiên nhẫn hơn với bản thân. Và bạn hãy nhớ rằng giá trị của mỗi người là độc nhất và không thể đo lường được bằng các tiêu chuẩn chung. Không cần quá quan trọng kết quả, bởi kết quả cũng chỉ mang tính thời điểm. Những gì mà bạn học được về bản thân mỗi ngày mới là điều đáng giá và khiến cho cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều.
Nội dung này sẽ được nói sâu hơn trong tập podcast thứ 2 của mình với nội dung liên quan đến giá trị cốt lõi của mỗi người. Nếu bạn quan tâm, hãy theo dõi và lắng nghe nhé!
Comments