top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Làm thế nào khi ông/bà/cha/mẹ uống thuốc không rõ nguồn gốc?

Hôm trước, một người bạn của mình phát hiện mẹ mua thuốc chống đột quỵ không rõ nguồn gốc từ đồng nghiệp.

Vốn là mẹ nhờ bạn đọc hộ xem trên vỏ thuốc viết gì. Khi cầm lọ thuốc toàn tiếng Nga, bạn ngạc nhiên hỏi :"Tại sao mẹ lại mua thuốc lung tung mà không được bác sĩ kê đơn thế này?"



Mẹ bạn ậm ừ, nói rằng bạn chỉ cần check giùm mã vạch trên vỏ thuốc là được rồi, còn không check được thì để mẹ đi nhờ người khác. Nghe mẹ nói thế, bạn càng cảm thấy tức giận, gắt lên: "Đồng nghiệp của mẹ có phải dược sĩ không mà đưa thuốc này cho mẹ? Thuốc thì phải mua từ bác sĩ với dược sĩ chứ, tại sao mẹ mua mấy thứ vớ vẩn này?"

Mẹ bạn tỏ ra không quan tâm, chỉ ngồi im lướt điện thoại và không trả lời. Bạn càng khó chịu, gắt lên "Mẹ phải đi hỏi dược sĩ đi!" rồi bỏ về phòng và gọi điện cho mình để kể về vụ việc này.

Việc ông, bà, cha, mẹ của chúng ta đi mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được chỉ định là nỗi lo mà rất nhiều người trẻ đang phải đau đầu. Bản thân mình cũng đã từng có lần phải ngồi xuống nói chuyện với ông của mình để tìm ra nguồn gốc của mấy viên thuốc đông y kỳ lạ để trong túi. Mình mới nói với bạn:

"Bạn bình tĩnh lại đã! Bây giờ bạn qua phòng mẹ, ngồi xuống rồi nhẹ nhàng hỏi mẹ: Điều gì khiến mẹ mua lọ thuốc này? Nó có nguồn gốc như nào ạ? Công dụng của nó là gì ạ? Bạn phải nói thật nhẹ nhàng, đừng gắt lên, vì nếu bạn gắt lên thì mẹ bạn sẽ cảm thấy cái tôi bị tổn thương và sẽ bỏ ngoài tai, không trả lời đâu. Sau khi bạn hiểu rõ về nguồn gốc và công dụng của loại thuốc này rồi, hai mẹ con sẽ tiếp tục phân tích xem thuốc có phù hợp với mẹ không nhé!"

Bạn qua phòng mẹ và nói chuyện. Sau đó, bạn nhắn tin báo với mình: "Mẹ mình bảo là thấy đồng nghiệp lấy thuốc cho mẹ chị ấy nên mẹ mình cũng tiện mua cùng. Hoá ra mẹ mình đã hỏi dược sĩ rồi, người ta bảo uống được vì nó là thực phẩm chức năng thôi. Tuy nhiên, sau khi hai mẹ con nói chuyện thì mẹ mình tự kết luận là thực ra bây giờ cũng không cần uống thực phẩm chức năng này lắm, để mai mẹ mang trả cho chị đồng nghiệp vậy."

"Thế giờ bạn cảm thấy thế nào?" Mình hỏi.

"Mình nhận ra là mình đã cáu kỉnh trước khi biết rõ câu chuyện. Đáng lẽ ra mình phải bình tĩnh để nói chuyện với mẹ thì đã tránh được cuộc cãi vã ban nãy rồi."

Đây là một cuộc hội thoại điển hình trong nhiều gia đình. Việc chúng ta dễ dàng cảm thấy bực tức khi giao tiếp với các thành viên gia đình có thể được giải thích bằng một số yếu tố tâm lý học:

1. Sự gần gũi và quen thuộc: Gia đình thường là những người mà chúng ta tiếp xúc nhiều nhất và lâu nhất. Việc này dẫn đến sự gắn bó mạnh mẽ nhưng cũng dễ dẫn đến xung đột. Do chúng ta ở gần nhau thường xuyên, những lỗi nhỏ hoặc thậm chí là thói quen không tốt của thành viên nào đó cũng có thể trở thành nguồn khó chịu.

2. Kỳ vọng và áp lực: Chúng ta thường có kỳ vọng cao hơn đối với gia đình, vì đó là nơi chúng ta trông đợi vào tình cảm và sự hiểu biết. Khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, chúng ta dễ dàng cảm thấy thất vọng và tức giận.

3. Lịch sử và quá khứ: Một số sự kiện trong quá khứ giữa các thành viên trong gia đình có thể gợi lên những cảm xúc tiêu cực, làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột. Ví dụ: Người cha từng mua thuốc không rõ nguồn gốc trong quá khứ khiến con cái phải đau đầu khuyên can, thì khi người mẹ cũng có hành vi tương tự, những đứa con bị gợi lại cảm xúc tiêu cực trước đây nên dễ dàng cảm thấy bực tức.

4. Không gian cá nhân hạn chế: Trong gia đình thường có ít không gian cá nhân hơn so với các môi trường khác. Điều này có thể tạo ra sự áp lực và căng thẳng, khiến cho các xung đột nhỏ cũng dễ dàng nổi lên vì người ta không có không gian riêng tư để bình tĩnh lại.

5. Giao tiếp không hiệu quả: Gia đình không phải lúc nào cũng có khả năng giao tiếp tốt (từ kinh nghiệm coach cho nhiều cha mẹ và con thì mình phải công nhận điều này). Khi giao tiếp không hiệu quả, các thông điệp không được truyền tải rõ ràng hoặc bị hiểu lầm, từ đó gây ra những mâu thuẫn dẫn đến những cảm xúc không vui.

6. Tính cách và khả năng xung đột: Mỗi người trong gia đình đều có tính cách riêng. Các tính cách này có thể xung đột với nhau tạo ra sự mâu thuẫn.

Với người bạn trong câu chuyện trên, mình đã gửi cho bạn một bài thực hành tỉnh thức, gọi là "Ba hơi thở" để bạn thực hành trong những cuộc hội thoại sau này với gia đình. Ví dụ như với trường hợp người mẹ mua loại thuốc không rõ nguồn gốc bên trên, trước khi phản ứng một cách cáu kỉnh và tra hỏi mẹ, bạn có thể:

  1. Hít thở hơi đầu tiên: Tập trung vào hơi thở, không nghĩ gì cả.

  2. Hít thở hơi thứ hai: Thả lỏng hết các cơ đang căng ra, buông bỏ sự căng thẳng trong cơ thể.

  3. Hít thở hơi thứ ba: Tự hỏi trong đầu "Điều gì là quan trọng nhất lúc này?"

Khi thực hành "Ba hơi thở" theo hướng dẫn trên, thay vì phản ứng ngay trong lúc đang vô cùng tức giận, bạn có thể dành vài giây để lấy lại bình tĩnh và tập trung vào giải pháp. Cuộc hội thoại, nhờ đó sẽ mang tính xây dựng và thể hiện sự quan tâm thay vì chỉ toàn trách móc, cáu kỉnh và đổi lỗi. Bằng việc bình tĩnh và lắng nghe trước khi đưa ra quan điểm, bạn sẽ có được những cuộc giao tiếp hiệu quả không chỉ với gia đình mà còn với các mối quan hệ xung quanh,

và tránh được những hậu quả tiêu cực không đáng có.


Coach Mai Anh

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page