Tôi có một khách hàng đã tự tay bóp chết giấc mơ của mình để ở lại quê nhà. Cô theo học một ngôi trường mà cô không thích, theo học một ngành mà cô chẳng quan tâm. Cả đời cô ấy chưa bao giờ sống cho mình, quyết định gì cũng đặt mong muốn của cha mẹ lên hàng đầu. Cô ấy sẵn sàng chôn vùi giấc mơ của mình chỉ vì những người họ hàng khuyên nhủ "sống gần mẹ thôi, để mẹ đỡ lo lắng."
Tôi không biết mẹ cô gái ấy có ngừng lo lắng hay không, nhưng tôi biết cô gái ấy không hạnh phúc. Cô ấy luôn cảm thấy cuộc đời của mình không bao giờ nằm trong tay mình.
Từng có những phiên coach tôi chứng kiến khách hàng khóc vì áp lực công việc. Bề ngoài họ luôn trông thật vui vẻ, năng động, thậm chí rất thành công trong sự nghiệp. Họ có nhiều người ngưỡng mộ, có những mối quan hệ đáng mơ ước. Nhưng họ lại chẳng thể nói với ai về những nỗi lo của mình. Đồng nghiệp hẳn sẽ phán xét, thậm chí tìm cách lợi dụng điểm yếu nếu như họ tâm sự; đối tác sẽ cho rằng họ thiếu chuyên nghiệp; bạn bè thì khác ngành nghề, chẳng thể hiểu nổi họ nói gì, còn người yêu thì cũng đã đủ nỗi lo trong cuộc sống rồi. Người mà họ cảm thấy an toàn nhất để kể chuyện là cha mẹ, nhưng sao có thể tránh được việc khiến cho cha mẹ lo lắng? Sau khi trở thành người lớn, việc "khiến cho cha mẹ lo lắng" đã trở thành điều kiêng kị với bất cứ đứa con nào.
Tôi có những khách hàng buổi tối đi làm về, nhìn căn phòng trống trải, mở điện thoại ra để nhắn tin cho một người bạn để rủ đi ăn. Không ai trong danh sách khiến bạn thấy vừa ý. Người thì quá năng động, người lại quá trầm tư. Người bạn thân nhất lại đang bận chạy deadline. Bạn chỉ biết trách: "Cuối tuần mà cũng làm việc?", rồi nhắn tin cho người tiếp theo. Chán nản thay, người ta cũng bận. Lướt tiếp danh sách online, bạn tình cờ nhìn thấy một số người mà bạn từng hẹn "khi nào đi cà phê nhé!" Khổ nỗi, họ với bạn không quá thân nhau để bạn có thể gặp họ trong trạng thái mệt mỏi như này. Mà có lẽ họ và bạn cũng sẽ chẳng bao giờ đi cà phê với nhau.
Vậy là hết lựa chọn. Bạn lại có một buổi tối cho riêng mình, như bao buổi tối khác. Bạn định nấu chút gì đó nhưng cảm thấy lười nên lại gọi đồ ăn bên ngoài. Vừa ăn vừa xem phim trên điện thoại, bạn mải mê xem hết tập phim vào lúc 9 giờ tối. Dọn dẹp xong, bạn tắm rửa rồi nằm lướt điện thoại. Bạn định nhắn tin cho người bạn thân để kể về ngày hôm nay của mình, rồi lại thôi. Người bạn thân chắc hẳn cũng có nhiều chuyện phải lo lắm rồi, bạn không muốn mang tới thêm năng lượng tiêu cực khiến họ mệt mỏi nữa.
Ban đêm nằm nhìn lên trần nhà, bạn tự hỏi: Vì sao thế giới này khắc nghiệt đến vậy?
Bạn nhớ thời còn đi học, nhớ những mối lo âu vặt vãnh hồi ấy. Những xích mích bạn bè tưởng chừng nghiêm trọng như chiến tranh khi ấy hoá ra chẳng là gì so với nỗi cô đơn mà bạn đang trải qua. Nỗi cô đơn này không giống với nỗi cô đơn cháy bỏng quặn thắt trong tình yêu. Đây là một nỗi cô đơn đen ngòm đặc quánh mà êm dịu, phảng phất hương vị hiện sinh, cứ thế nuốt chửng lấy con người bạn. Ai mà ngờ có ngày bạn lại không có nổi một người bạn nào để tâm sự chứ?
Thời buổi công nghệ tân tiến như hiện nay, chỉ cần với tay là cầm được lên chiếc điện thoại, bỏ thêm chút công sức thì mở ra được chiếc laptop. Chỉ mất một giây là bạn có thể kết nối tới mọi ngóc ngách trên thế giới. Bạn bè trên mạng đông đảo và chuyện trò vui hơn hẳn bạn ngoài đời. Thứ gì xảy ra bạn cũng có thể biết ngay chỉ sau một cái nhấp chuột. Có thật nhiều ứng dụng hẹn hò để bạn tìm kiếm đối tượng yêu đương. Một thế giới tưởng chừng quá dễ dàng để tạo ra những mối quan hệ mới.
Vậy tại sao bạn vẫn cảm thấy cô đơn?
Bạn có thể thấy mình trong câu chuyện trên, hoặc không. Nhưng nếu bạn thấy bản thân, hoặc một phần của bản thân ở trong đó, hãy tin khi tôi nói rằng rất nhiều người xung quanh đang sống như bạn. Họ chỉ lựa chọn không nói ra, vì họ tin rằng việc nói ra sẽ chẳng mang lại năng lượng tích cực cho ai cả. Thà đeo một chiếc mặt nạ vui vẻ và chôn vùi nỗi niềm vào bên trong còn hơn.
Từ bao giờ chúng ta lại sợ làm phiền người khác đến thế?
Coach Mai Anh .
Comments