top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Một thế giới quá nhanh - Romantic Doctor, Teacher Kim

Tình cờ lướt qua thấy bài đăng của fanpage phim Người Thầy Y Đức - Romantic Doctor, Teacher Kim. Mình không xem phim này nhưng thấy hai câu thoại trong đoạn trích khá đúng về thời đại hiện nay.

"Nói thật thì tôi không hiểu được thế hệ của cậu. Cậu có thể dễ dàng nói ra những điều mình muốn nhưng cũng dễ dàng gục ngã khi nhận trách nhiệm. Tâm lí của các cậu rất yếu. Các cậu đều rất khó tính và khắt khe. Các cậu chả chịu thử mà cứ muốn có kết quả ngay. Các cậu chẳng chịu làm việc chăm chỉ nhưng lại phàn nàn khi được giao việc cho. Thật tò mò muốn biết các cậu đạt được những gì với trạng thái đó." - Cha Jin Man

"Quá trình suy nghĩ của chúng cháu đã thay đổi và trên hết, thế giới của chúng cháu sống rất khác. Đây không còn là kỉ nguyên của khả năng. Người trẻ chúng cháu đang sống trong kỉ nguyên nơi chúng cháu phải cầm cự." - Seo Woo Jin



Đọc hai câu thoại trên làm mình nhớ tới hồi trước cũng có người từng nói với mình: "Các bạn Gen Z giờ đều tự tin thái quá, cả thèm chóng chán, không tu dưỡng về thái độ và dành thời gian học hỏi mà chỉ để ý đến thành quả. Như vậy các sếp thế hệ trước không thích là phải. Sao em còn coach về tự tin cho các bạn ấy?"

Câu nhận định trên, dù chứa đựng nhiều thành kiến nhưng thiết nghĩ cũng đúng một phần nào đó. Tuổi trẻ vốn đã là tuổi nhanh, theo nhà tâm lý học Carl Jung thì đây là độ tuổi khuynh về hướng ngoại, thích náo động, vậy nên khi cho tiếp xúc với những món đồ công nghệ và khoa học tiến bộ thì chẳng khác nào cá gặp nước. Họ cũng chẳng có nhiều quyền lựa chọn khi mà sinh ra ở thời đại mọi thứ thay đổi chóng mặt ở bề ngoài. Áp lực từ những người tài giỏi xung quanh, các chương trình học và các kỳ thi mọc lên như nấm, ai cũng phải cố gắng chạy về phía trước không ngừng nghỉ, vì chỉ nghỉ một giây là đã có thể bị bỏ lại rồi.

Mà số lượng công việc của thời đại hiện nay cũng không còn giới hạn như trước đây. Bao nhiêu cơ hội ngoài kia cho người trẻ lựa chọn, cơ hội nào nhìn lướt qua cũng na ná nhau, họ có lí do gì để phải oằn mình chấp nhận những điều không thoải mái chỉ để chờ đợi một sự ghi nhận có thể sẽ tới sau 10, 20 năm nữa? Đó là một khoảng thời gian quá dài trong một thế giới xoay chuyển quá nhanh.

Ngay cả trong việc giải trí người ta cũng không được chậm. Thế giới giờ chuộng những nội dung ngắn và thu hút, bề nổi, chỉ cần một cái liếc qua đủ để vui vẻ trong vài giây là được rồi. Nhiều nhà sáng tạo nội dung cố gắng tạo ra những chất liệu gây ấn tượng hòng lôi cuốn khán giả, để họ xem hết video này đến video khác trên Tiktok, mở Netflix xem hết tập này sang tập khác, không có điểm dừng, không có cả không gian để thở, binge watching vừa xem vừa ăn đến lăn ra ngủ gật, thậm chí phải xem tóm tắt và tua chỉ để biết tình tiết tiếp theo là gì. Họ không có thời gian để thấm, cũng chẳng còn khoảng trống nào để suy nghĩ đến việc mình muốn tiếp nhận thông tin nào tiếp theo. Thế giới như một kho nội dung khổng lồ cứ thế vả liên tiếp vào mặt.

Sống trong một thế giới như vậy, người trẻ có bao nhiêu cơ hội để hiểu được tầm quan trọng của tính kiên trì? Họ đã được rèn luyện để thích nghi với một thế giới nơi cái gì cũng phải nhanh, làm gì cũng phải ra ngay kết quả, có kết quả thì mới có được sự công nhận, có sự công nhận mới xác định được đường hướng tiếp theo. Nhiều người trong số họ cũng đã trở thành những chiến binh xuất sắc vì ngày càng có nhiều những người trẻ tài năng, thậm chí chưa tới 20 tuổi đã được vinh danh trong các lĩnh vực, kiếm được rất nhiều tiền và có được sự tự do, tự chủ mà bao nhiêu người thế hệ trước phải ao ước. Nếu đem tư duy và cách làm kiên trì, chậm rãi của người thế hệ trước áp dụng vào thế giới hiện tại, chưa chắc họ đã thành công như thế, hay thậm chí là cầm cự được qua ngày.

Trước thành công của nhiều người trẻ tuổi, báo đài lại càng được đà nhan nhản đưa tin hòng cổ xuý cho việc thành công từ sớm, càng khiến những người trẻ khác thêm phần áp lực, lo lắng cho con đường mà họ đang đi. Họ nhìn ngang dọc xem có cơ hội nào tốt hơn không để "nhảy việc" hoặc khởi nghiệp. Thế hệ trước thấy vậy cho là họ tự kiêu, nghĩ rằng công việc hiện tại chưa đủ tốt nên không thèm tiếp tục học hỏi, nhưng mình nhìn thấy sâu thẳm bên trong ấy là một sự tự ti khủng khiếp về giá trị bản thân họ. Sự tự ti này khiến cho người trẻ không dám dừng lại, vì sợ rằng chỉ cần chậm trễ là sẽ bỏ lỡ những cơ hội khác tốt hơn và không thể thành công sớm như những trường hợp được ca ngợi trên báo đài.

Tâm lý FOMO - Fear of Missing Out (sợ bỏ lỡ) này còn áp dụng lên cả quá trình hẹn hò, tìm đối tác yêu đương của người trẻ hiện nay nữa. Trong một biển có quá nhiều cá, cá ngoài đời không đủ thì lên các ứng dụng hẹn hò vẫn nhan nhản, khiến cho họ tự dưng hoảng sợ, không biết chọn gì, vì họ cảm thấy dù chọn người nào cũng sẽ có người khác tốt hơn mà mình bỏ lỡ. Và ngạc nhiên thay, nhiều người trong số họ do đó không thể chọn được ai cả. Mình vẫn rất ấn tượng với một bạn nữ từng tìm đến mình để coach vì cảm thấy quá cô độc; bạn đã đi hẹn hò với nhiều người quá đến nỗi mệt mỏi, chán nản và thất vọng vì không thể vừa mắt nổi ai.

Vậy nên, nói rằng thế hệ trẻ ngày nay thiếu sự kiên nhẫn, sức tập trung kém và không kiên trì là một nhận định có lý. Thế nhưng, từ góc nhìn của mình, điều ấy không có nghĩa là họ kiêu ngạo, quá tự tin hay không biết điều. Mình nhìn thấy bên trong họ sự lo lắng vì những thay đổi chóng mặt của thế giới, áp lực trước thành công của những người còn trẻ tuổi hơn cả họ, và họ còn phải cố gắng đấu tranh với những cám dỗ giải trí ngắn hạn trên các nền tảng trực tuyến. Và trên cả, họ cố gắng để không làm gia đình thất vọng, không bị bạn bè chê cười, không bị bỏ lại phía sau.

Nói rằng Gen Z quá tự tin, cũng đúng. Bảo họ thiếu tự tin, cũng không sai.

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page