Tôi sẽ nhìn nhận mọi việc như thế nào, khi không còn Cái Tôi nữa?
Việc khư khư ôm cái Cái Tôi trong các tình huống mang lại những gì ngoài sự thừa thãi, bất an và đau khổ?
Cụ thể như sau:
- Trong các cuộc đối thoại, ta lo thể hiện quan điểm, lời nói, cử chỉ, thái độ, sao cho đối phương ngưỡng mộ và đánh giá cao mình. Đó chính là khi ta ham muốn thể hiện Cái Tôi.
Nó xuất phát từ sự bất an rằng Cái Tôi của ta không đủ giá trị, và sẽ bị người khác coi thường.
- Trong khi giao tiếp, ta rất sợ người khác hiểu sai ý của mình. Ta sợ Cái Tôi bị hiểu lầm. Thành ra, ta nỗ lực giải thích bản thân với tất cả mọi người, đau đáu về việc có người chưa thực sự hiểu ta.
Thế nhưng, vì sao ta lại cần Cái Tôi của mình phải được người khác thấu hiểu? Thậm chí, tất-cả-mọi-người đều phải thấu hiểu?
- Kể cả khi ta làm việc vì cộng đồng, ta thường băn khoăn rằng bản thân không được cộng đồng yêu mến đủ. Không được ghi nhận đủ. Không được đánh giá cao. Ta cần mọi người để tâm và tán thưởng - là ta cống hiến, làm việc vì cộng đồng, hy sinh cho cộng đồng.
Ấy là ta thực sự làm vì lợi ích của cộng đồng, hay làm cho Cái Tôi của mình?
- Khi ta nhận được lời góp ý, ta ngay lập tức liên tưởng tới việc Cái Tôi của mình đang bị tấn công. Ta giương vuốt bảo vệ nó, sợ nó bị tổn thương, sứt mẻ.
Thế nhưng lời góp ý của người khác có thực sự đang nhắm vào Cái Tôi của ta, hay chỉ là nói về hành vi của ta?
- Khi ta yêu thương người khác, ta cũng mong nhận lại một lượng yêu thương ngang bằng hoặc hơn. Ta sợ Cái Tôi của mình bị thua thiệt.
Vậy là ta yêu người, hay chỉ là yêu Cái Tôi của mình?
Khi bỏ qua Cái Tôi trong tất cả các tình huống trên, nhìn nhận lời nói của người khác theo đúng đối tượng mà họ hướng tới, thì cách ta nhìn nhận vấn đề sẽ thay đổi như thế nào?
Comments