Ngày hôm qua, trong một buổi group-coaching (khai vấn nhóm) của lớp Build Your Confidence, mình cho cả lớp phân tích những bức tranh mà từng thành viên vẽ về tương lai mà họ mong muốn.
Có bạn vẽ một bức tranh về cuộc sống yên bình ở một nơi trông giống một ốc đảo xa xôi với những rặng cây và thú vui tao nhã ngồi thiền và ngắm cảnh biển. Một bức tranh toát lên ước vọng của một người đang hàng ngày phải đi làm công sở, tất bật từ sáng tới tối, không có được giây phút bình yên cho bản thân. Tác giả mô tả bản thân trong bức tranh sống một cuộc đời lánh xa nhân loại, một cuộc đời mang tính huyền học và kỳ lạ đến nỗi khi nói ra cả lớp đều không hiểu gì cả.
"Rốt cuộc là em sống cuộc đời như nào trong bức tranh này vậy?" Một thành viên trong lớp đặt câu hỏi.
Tác giả trả lời: "Nhìn chung là em muốn có thể bán được hàng nhưng không phải tiếp xúc với mọi người."
"À, thế thì là bán hàng online đúng không?" Thành viên kia đưa ra nhận xét. Cả lớp cười ồ lên.
"Cũng hơi giống thế ạ." Tác giả cười cười, không nói thêm gì nữa.
Quan sát sự im lặng của tác giả vẽ ra bức tranh này, mình đưa phản hồi: "Chị cảm thấy em đang cho rằng kể cả em có giải thích kỹ càng về bức tranh tương lai này với người khác, người ta cũng sẽ không hiểu và đánh giá em đúng không? Vì vậy nên em mới không muốn mất công giải thích vì cho rằng mọi người trong lớp sẽ không hiểu?"
Tác giả gật đầu. "Đúng là em ghét việc phải giải thích cho người khác. Em không bao giờ muốn diễn đạt chi tiết cho ai hiểu về mong ước hay giấc mơ của mình."
Các bạn trong lớp tiếp tục đặt ra các câu hỏi:
"Hay là do chị không muốn mọi người cười chê mình?"
"Chị sợ mọi người sẽ không hiểu chị đúng không?
"Có ai trong quá khứ từng bài xích hay đánh giá em về sở thích và ước mơ của em không?"
Nhận những câu hỏi từ các bạn cùng lớp, bạn tác giả vẽ ra bức tranh này ban đầu phủ nhận, nhưng sau một hồi ngẫm nghĩ, bạn trải lòng rằng thực ra từ trước tới giờ, gia đình bạn đã luôn phản đối và bài trừ những ai có sở thích giống bạn. Điều đó khiến mỗi khi bạn kể về ước mơ của mình với ai, bạn đều lo lắng dặn dò người ta giữ kín bí mật và đừng kể cho ai biết. Nỗi sợ này ngăn cản bạn biểu lộ ra ước mơ của mình trong mọi hoàn cảnh. Sự kín kẽ mang lại cho bạn cảm giác an toàn, nhưng cũng ngăn bạn hình thành được kết nối sâu với những người khác.
Từ đó, bạn luôn sống với niềm tin rằng "Con người thật rắc rối và mệt mỏi. Mình không muốn tiếp xúc với ai cả. Mình mong đừng ai đi quá sâu vào cuộc sống của mình."
Rất nhiều người trong chúng ta cũng như bạn tác giả bức tranh trên. Chúng ta có rất nhiều đam mê và ước mơ; ta khao khát được mọi người xung quanh thấu hiểu, ghi nhận những ước mơ này của mình. Thế nhưng chính vì những niềm tin giới hạn được cha mẹ, người thân và những người lớn khác cài cắm vào đầu chúng ta trong rất nhiều năm tháng như "Ước mơ này thật là viển vông", "Con sẽ không kiếm được tiền khi làm công việc này đâu", "Chỉ có những người thấp kém, vô công rồi nghề mới đi làm cái việc này" mà chúng ta cảm thấy xấu hổ, nhục nhã với chính những đam mê và ước mơ của mình đến mức để nó bị chôn vùi vào dĩ vãng.
Gần đây mình nghe lại bài rap N-Sao? của Suboi. Trong bài rap, có câu "N-sao mà 25 tuổi giấc mơ lại chết?" Câu nói này khiến mình giật mình, có lẽ vì mình cũng đang ở độ tuổi 25. Mình tìm hiểu vì sao Suboi lại ám chỉ cụ thể độ tuổi 25 này. Trong một đoạn phỏng vấn, khi được hỏi về việc vì sao hay viết về tuổi 25, Suboi đã trả lời:
“Từ nhỏ tới lớn bố mẹ làm lụng rất cực, cho mình biết kiếm tiền rất khó, rất khổ. Thương bố mẹ nên Su đã nghĩ thành công là phải có tiền, lớn lên không có tiền thì mình không là ai cả. Tiền tới thì những người mới xuất hiện, có cả những người không được thật lòng và mình bị sự nịnh nọt của họ làm ảnh hưởng. Tự ti và tự tôn cũng giống nhau thôi, nên ở năm 25 tuổi Su rơi từ đỉnh xuống và bị sốc, bắt đầu nghi ngờ bản thân cực kì nhiều.”
Trải lòng của Suboi có lẽ là tâm sự của rất nhiều người trong chúng ta, dù bạn đã 25, chưa tới 25 hoặc đã vượt qua 25 một tầm xa. Chúng ta được dặn dò phải tập trung vào kiếm tiền và gạt bỏ đi giấc mơ của mình, để đến một ngày ta ngỡ ngàng tự hỏi: "Tôi đang làm gì với cuộc đời mình vậy?"
Mình may mắn được sống ở độ tuổi 25 với giấc mơ của mình. Mình còn may mắn hơn khi kiếm được tiền từ chính giấc mơ của mình. Thế nhưng để làm được điều này, mình đã phải hoài nghi về bản thân và những quy tắc mà xã hội đặt ra cho mỗi người từ trước đó nhiều năm. Những quy tắc ấy dĩ nhiên là để duy trì trật tự ổn định của xã hội. Thế nhưng xã hội là gì, nếu không phải một tập hợp của những người sống trong đó? Và những người sống trong đó có bao giờ đứng yên không, hay đó chỉ là một ảo tưởng được vẽ lên để chúng ta an tâm thôi?
Để kiểm chứng điều này, bạn hãy thử đứng yên, không học hỏi thêm điều mới, không mở rộng tư duy, bằng lòng làm theo bất cứ điều gì người khác bảo. 2 năm sau đó, có khả năng bạn đã bị thị trường lao động đào thải. Và thậm chí còn có thể sớm hơn nữa vì chúng ta đang ở trong thời đại công nghệ và trí tuệ nhân tạo được cải tiến từng giây.
Vậy cho nên, bạn có thể chọn một công việc mình muốn, hoặc chọn công việc mà cha mẹ muốn mình làm. Dù bạn chọn phương án nào thì cũng không đảm bảo bạn sẽ thành công hay thất bại. Mình không vẽ ra một bức tranh màu hồng ở đây. Bạn làm theo ý cha mẹ thì vẫn có thể thành công, và sống với đam mê của mình thì bạn cũng có nhiều nguy cơ ra đường ở. Rốt cuộc, dù lựa chọn theo hướng nào thì bạn cũng là người gánh kết quả thôi.
Vì vậy, hãy khôn ngoan và thông thái lên, tìm hiểu mình muốn gì, mình có khả năng gì, xã hội này đang cần những gì, và họ sẵn sàng chi trả cho điều gì (có thể tham khảo mô hình Ikigai - mô hình tìm ý nghĩa cuộc sống của người Nhật). Bạn có thể chọn sống với giấc mơ của mình, hoặc không, nhưng một khi đã đưa ra lựa chọn rồi thì không thể oán trách người khác. Giấc mơ của bạn, dù sao cũng sẽ không chết năm bạn 25 tuổi, 30 tuổi, 35 hay 70 tuổi đâu.
Nó chỉ chết khi bạn chôn vùi nó thôi.
Coach Mai Anh
Comments