Hôm nay về quê, mình vừa có một cuộc nói chuyện khá thú vị với nhị vị thân sinh.
Bố: Con giống bà với mẹ nhỉ, ngồi trên ghế là co chân lên luôn
Mình: Vậy khi bố ngồi trên ghế, bố có thể co được chân lên không?
Bố: Có. Không dễ lắm nhưng bố co được.
Mình: Nhưng bố có thoải mái không?
Bố: Không...
Mình: Bố không thoải mái vì chân của bố dài hơn chiều rộng của cái ghế. Còn con thì thấy thoải mái, vì chân con vừa với chiều rộng của ghế. Giờ con duỗi chân xuống sàn. Bố thấy không, chân con không chạm tới sàn.
Nghe mình nói thế, mẹ như sực nhận ra sự thật này. Mẹ nói: Ừ chân mẹ cũng bị lơ lửng khi duỗi ra, mà ngồi vậy còn đau lưng nữa nên mới co chân lên ghế.
Mình: Có thể bố mẹ không để ý nhưng đây chính là một khía cạnh của bất bình đẳng giới. Thường các vật dụng luôn được thiết kế theo số đo của nam giới, ví dụ như chỗ ngồi ô tô, bàn, ghế, tủ chạn trong nhà,... khiến cho phụ nữ gặp nhiều bất tiện trong khi sử dụng. Ví dụ như cái ghế này, nó quá cao để một người phụ nữ có kích thước trung bình ở Việt Nam ngồi chân chạm tới sàn, gây ra cảm giác khó chịu và chới với khi ngồi, do đó co chân lên sẽ thấy dễ chịu hơn. Nếu bố mẹ quan sát sẽ thấy rằng ông, bố và em trai luôn để chân xuống dưới, còn bà, mẹ, và con thì có xu hướng co chân lên. Đây chắc chắn không thể nào là do gen được, đúng không?
Mẹ: Giờ thì mẹ hiểu rồi. Lúc bố bảo mẹ không nên ngồi co chân, mẹ chỉ bảo là co chân dễ chịu hơn còn bố thì lại bảo duỗi chân mới dễ chịu, không ai hiểu tại sao, chủ đề này nói bao lâu nay mãi chưa xong!
Bố: Thế có cách nào xử lý chuyện này không?
Mình: Có thể sắm một cái ghế nhỏ để mẹ để chân, khi ấy bố sẽ thấy mẹ ít co chân lên ghế thôi.
Mẹ: Cồng kềnh vậy thà mẹ co chân lên còn hơn
Qua câu chuyện này, mình càng khẳng định hơn việc bất bình đẳng giới nằm ẩn sâu trong những khía cạnh nhỏ nhặt của cuộc sống, và việc đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và thông cảm rất quan trọng. Nam giới và nữ giới vốn khác biệt về thể chất nên cũng thường ngại ngần muốn hiểu rõ hơn về đối phương, lại thêm tư duy cho rằng cái gì thuộc về phụ nữ cũng "nhạy cảm" (tàn dư từ xã hội nam quyền chỉ tập trung phục vụ nam giới) nên các nghiên cứu về sản phẩm phục vụ riêng nữ giới hẵng còn chưa phổ biến, mà nếu có cũng chủ yếu chỉ tập trung ở mảng làm đẹp (again, nhằm phục vụ cho sự đánh giá của nam giới).
Gần đây, một luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lê Thị Hồng Nhung, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội mang tên "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" đã gây nhiều tranh cãi, trong đó ý kiến trái chiều hầu hết là những lời cợt nhả chê bai việc luận án nghiên cứu một chủ đề "nhạy cảm", "thiếu thiết thực" và "vớ vẩn". Dĩ nhiên, hầu hết người chê bai là đàn ông, bởi vốn dĩ họ không hiểu được rằng nếu phụ nữ mặc áo ngực không phù hợp thường xuyên có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, chưa kể tới cảm giác khó chịu, ngộp thở, tức ngực và mất tự tin. Một số phụ nữ cũng lên tiếng chê bai chủ đề này, nhiều phần có lẽ họ cho rằng việc mặc áo ngực cũng là chủ đề nhạy cảm mà họ muốn giấu nhẹm đi.
Thế nhưng việc xếp những chủ đề thiết thực, phục vụ cuộc sống thường ngày của phụ nữ vào danh sách "vấn đề nhạy cảm" để tránh nói tới, từ chối nghiên cứu, và làm lơ trước những vấn đề mà nó gây ra chính là gạt bỏ đi quyền lợi của người phụ nữ. Cũng vì thế mà phụ nữ thường gặp bất tiện trong cuộc sống mà hầu hết lại không hiểu tại sao. Và đó chính là bất bình đẳng giới, chứ đâu cần phải nói về thứ cao xa hơn nữa?
Comentários