top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Sốc văn hoá khi ra nước ngoài

Một phần không nhỏ khách hàng mình từng coach là các du học sinh/người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Có thể là do đồng mindset, hoặc do mình cũng từng là du học sinh nên những người khách hàng ấy cảm thấy mình có thể thấu hiểu được vấn đề của họ.

Từ góc nhìn của mình thì có 3 vấn đề chính mà các du học sinh/người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài thường tìm đến mình để coach:

1. Mới sang nước ngoài, lạ nước lạ cái, khủng hoảng hiện sinh.

2. Phân vân về việc nên tiếp tục ở lại nước sở tại hay là về Việt Nam (thường là khi cuộc sống ở nước ngoài đã bắt đầu ổn định).

3. Mới quay về Việt Nam, cảm thấy chán nản, không phù hợp giá trị với những điều tưởng như thân quen ở quê nhà, nuối tiếc quãng thời gian ở nước ngoài.



Lý do số 1 là lý do có thể nhận được sự cảm thông dễ dàng nhất. Thoát ra khỏi luỹ tre làng, người ta không khỏi cảm thấy áp lực khi phải đối mặt và trải nghiệm những điều lạ lùng, không nằm trong từ điển của mình. Chưa cần nói tới ra nước ngoài, hồi mình mới vào Sài Gòn để học - nơi mình không phải gồng mình lên để nói một ngôn ngữ khác - cũng đủ để mình cảm thấy không thoải mái trước một số thói quen, lối sống mà ở ngoài Bắc người ta không như vậy. Hồi ấy mình không coi đó là sự khác biệt về văn hoá, nhưng sau này học các lớp Sociology (Xã hội học) thì mình mới định nghĩa được trải nghiệm này, và gọi tên được nó là "sốc văn hoá".

Sốc văn hóa là những cảm giác không chắc chắn, bối rối hoặc lo lắng khi người ta chuyển đến một quốc gia mới, trải nghiệm một nền văn hóa hoặc môi trường xung quanh mới. Theo như giả thuyết mà nhà nhân chủng học Kalervo Oberg đưa ra vào năm 1954 thì hiện tượng sốc văn hoá xảy ra trong 4 giai đoạn: Phấn khích, khó chịu, điều chỉnh và thích nghi.

1/ Phấn khích - Tuần trăng mật: Đây là giai đoạn đầu tiên và xảy ra khi một người vừa mới đến môi trường mới. Trong giai đoạn này, mọi thứ đều mới mẻ và thú vị. Bạn bị hấp dẫn bởi sự khác biệt và tương đồng về văn hóa. Bạn có cảm giác rằng bản thân có thể chinh phục bất cứ thứ gì, bạn sẽ không bị sốc văn hoá và sẽ không gặp khó khăn gì khi điều chỉnh lối sống của mình cho phù hợp với nơi ở mới.

2/ Bực bội - Sốc văn hóa: Sau khi giai đoạn trăng mật kết thúc, bạn bắt đầu chuyển sang giai đoạn hình thành quan điểm tiêu cực về sự khác biệt văn hóa. Bạn thường trực cảm giác thất vọng. Ví dụ, mình đã từng cảm thấy hết sức... bất lực khi người Nhật thường xuyên trả lời "daijoubu" (không sao đâu) trong bất cứ tình huống nào, khiến cho mình cảm giác họ sẽ không bao giờ muốn mở lòng. Đây là giai đoạn mà bạn sẽ cảm thấy nhớ nhà nhất, nhớ những giá trị trong xã hội cũ nhất, và cũng dễ dàng bỏ cuộc nhất.

3/ Điều chỉnh – Góc nhìn: Nhớ nhà nhưng dĩ nhiên bạn không thể dễ dàng quay trở về được. Bạn bắt đầu học cách thích nghi. Sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa của bạn tăng lên cũng khiến cho bạn cảm thấy thoải mái và dễ sống hơn. Bây giờ bạn có thể tự tin rằng bạn đã quản lý được cuộc sống một cách ổn thoả. Bạn bắt đầu nhìn vấn đề ở nhiều góc cạnh và đặt câu hỏi về những giả định của chính mình về thế giới.

4. Thích nghi - Cảm thấy như ở nhà: Cuối cùng, bạn đã trở nên quen thuộc với văn hoá ở nước sở tại. Thậm chí, bạn có thể cảm thấy thấy thích một số đặc điểm của nền văn hóa mới hơn cả nền văn hóa quê hương của bạn. Bạn bắt đầu trở nên "giống như người bản địa" (Dĩ nhiên, nếu thời gian ở nước ngoài không lâu thì có thể bạn cũng sẽ không bao giờ tiến đến giai đoạn này)

Vậy câu hỏi đặt ra là: Có thể tránh được sốc-văn-hoá không?

Theo quan sát và trải nghiệm của mình thì sốc văn hoá khó có thể tránh khỏi, dù bạn có là người hiểu biết hay nhiều trải nghiệm thế nào đi nữa. Con người, hay bất kỳ sinh vật nào cũng đều rất nhạy cảm trước sự thay đổi trong môi trường sống do bản năng sinh tồn. Tuy rằng việc thích nghi được cài cắm ở trong bản năng của chúng ta, nhưng không có nghĩa rằng việc trải qua nó là dễ dàng. Bất cứ sự thay đổi nào cũng tiềm ẩn những rủi ro và sự không chắc chắn. Nó khiến chúng ta phải "trả giá" bằng thời gian, tiền bạc và rất nhiều nỗ lực để thích nghi với một thực-tế-mới. Chúng ta trở nên hoài nghi với niềm tin và giá trị sống của mình, hoài nghi về việc mình là ai, và hoài nghi rằng tất cả hiểu biết về bản thân mình bấy lâu nay đều sai lầm cả hay sao?

Nếu vậy, bạn tự hỏi, thì chúng ta đi ra nước ngoài sinh sống làm gì? Nếu không vì tiền bạc, vì sự tự do, hay mở rộng sự nghiệp, thì có lý do nào khác hay không?

Không có câu trả lời chung cho vấn đề này vì nó phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi cá nhân. Từ góc nhìn của mình, việc đến sinh sống ở một môi trường mới có một lợi ích rất to lớn, đó chính là hành trình chuyển hoá bản thân mà bạn khó có thể đạt được nếu cứ ở trong vùng an toàn. Khi chuyển tới một môi trường mới/chuyển ra nước ngoài, bạn sẽ bị tách khỏi hệ thống hỗ trợ vốn có của mình (người thân, gia đình, bạn bè, các network thân thuộc, vị trí xã hội của bạn,...). Những người xung quanh không biết bạn là ai, do đó họ không quan tâm hay kỳ vọng gì ở bạn. Ban đầu bạn sẽ cảm thấy tự do, nhưng dần dần tự do trở thành cô độc. Đến một ngày bạn sợ hãi tự hỏi chính mình: Vậy hiện giờ tôi là ai?

Sợi dây liên kết giữa bản ngã của bạn với xã hội cũ dần trở nên mờ nhạt. Bạn phải tìm ra bản ngã của mình ở trong xã hội mới. Việc liên tục phải thâu nhận những giá trị của nền văn hóa khác khiến bạn nhận ra rằng chẳng có thứ niềm tin, giá trị hay triết lý nào thật sự là "chân lý" cả. Khi ấy, bạn hiểu ra tầm quan trọng của việc thiết lập các giá trị cá nhân để có thể tồn tại và vững vàng. Bạn hiểu ra mình chỉ là một hạt cát giữa đại dương. Và bạn hiểu ra sự vô thường, sự tương đối của tất cả mọi sự ở trên đời.

Để rồi đến một ngày, khi bạn đã "lột xác" trở thành một con người phù hợp với những giá trị sống ở đất nước sở tại, bạn quay trở về quê nhà mà mình hằng thương nhớ. Chứng kiến sự điên đảo của giao thông Việt Nam, chứng kiến trận cãi vã của mấy cô bán cá ngoài chợ, cảm nhận những hạt bụi mịn đang bay trong không khí, bạn đột nhiên run rẩy, sợ hãi và sững sờ. Bạn lẩm bẩm: Tại sao có thể sống như thế này được cơ chứ?

Thế là bạn lại bắt đầu bước chân vào hành trình sốc văn hoá ngược.

(Sốc văn hoá ngược - reverse culture shock: tình trạng thường xảy ra khi một người đã thích nghi với văn hóa, lối sống ở một quốc gia khác, khi quay trở lại nước hay môi trường quen thuộc xưa thì bắt đầu cảm thấy lạ lẫm, bối rối trước những thay đổi và khác biệt giữa cái mới và cái cũ, giữa ký ức và thực tế).


Coach Mai Anh

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page