Một trong những câu trả lời xuất hiện khá thường xuyên trong các phiên coach, chính là "Tôi không biết."
Người nói ra câu này có thể nằm ở 1 trong 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Khách hàng ngỡ ngàng trước một câu hỏi mà họ chưa nghĩ tới bao giờ.
Với trường hợp 1, mình đánh giá "Tôi không biết" chính là một thời điểm "giác ngộ"/AHA moment trong phiên coach. Thông thường ai cũng cho rằng họ hiểu rõ bản thân, hiểu rõ cuộc đời của chính mình, cho tới khi nhận được một câu hỏi về bản thân mình mà họ không trả lời nổi. Và thậm chí họ còn chưa nghĩ tới bao giờ.
Với trường hợp này, người nói câu "tôi không biết" thường nói với thái độ ngỡ ngàng, rụt rè và kéo theo là khoảng lặng im, thậm chí xúc động, rơi lệ. Mình rất thích câu "tôi không biết" trong trường hợp này. Khoảnh khắc ấy chính là hạt giống để một người bắt đầu mở rộng tư duy, suy nghĩ thêm về những khía cạnh khác của vấn đề mà trước giờ họ không nhìn ra được.
Trường hợp 2: Lười biếng & Trốn tránh.
Mình đặt Lười biếng và Trốn tránh vào cùng một danh mục, bởi mình cho rằng chính sự lười biếng tư duy cũng là một biểu hiện của mong muốn trốn tránh vấn đề.
A muốn có cuộc sống tự chủ nhưng A không chịu đi tìm việc. Mình hỏi điều gì ngăn trở A đi tìm việc, A trả lời ngay "Tôi không biết."
B mong muốn được học trong một môi trường tốt hơn. Để đủ điều kiện chuyển trường thì B phải hoàn thành hết học kỳ này, nhưng B không chịu đi thi cuối kỳ. Mình hỏi điều gì khiến B không muốn đi thi, B nói luôn "Em không biết."
C không muốn về quê mà muốn ở lại Hà Nội, nhưng bố mẹ gọi C về thì C vẫn về. Mình hỏi lý do C đưa ra quyết định đó, C nói "Tớ không biết."
D có mâu thuẫn với nhân viên của mình, D biết là phải nói chuyện với nhân viên để giải quyết nhưng D không làm. Mình hỏi vì sao D không thực hiện việc ấy, D nói "Chị không biết."
Câu chuyện của A, B, C&D chỉ là một số trường hợp điển hình mà mình lấy làm ví dụ. Điểm chung của những trường hợp này là họ thường trả lời với một tốc độ rất nhanh, dường như không muốn suy nghĩ về câu trả lời, thái độ phòng thủ, nhưng lại có sự kỳ vọng/yêu cầu được giúp đỡ.
Nhưng làm sao người khác giúp đỡ bạn được nếu bạn không chịu thể hiện ra mong muốn và suy nghĩ thật của mình?
Sau một vài phiên coach, A đã thừa nhận việc cảm thấy tự ti về năng lực của mình nên không dám đi tìm việc. B cảm thấy ám ảnh với lớp học và thầy cô nên không muốn quay trở lại để thi cuối kỳ. C cho rằng bố mẹ có quyền kiểm soát cuộc đời mình nên không dám chống đối lại. Còn với D, sâu thẳm trong lòng bạn ấy cho rằng nhân viên không hợp phong cách của mình nên không còn muốn xử lý mâu thuẫn này nữa.
Mình có thể coach được cho A, B, C, D như mình coach cho các bạn ở trường hợp 1. Tuy nhiên, hành trình đi với A, B, C, D sẽ mất thời gian hơn, cần kiên nhẫn hơn, phải hỗ trợ tinh thần nhiều hơn, và có thể phải khởi lên nhiều cảm xúc không tích cực trong chính các bạn.
Mình biết là để có thể nói ra những suy nghĩ thật và thể hiện ra sự mong manh của mình, không phải ai cũng sẵn sàng. Có những người dành hơn nửa đời người mới dám thừa nhận. Có những người không bao giờ có thể làm được việc ấy.
Nhưng mà, chừng nào bạn còn không đủ dũng cảm để đối mặt với vấn đề của mình, chừng ấy người khác vẫn chưa thể giúp được bạn.
Đừng kỳ vọng phi lý. Đừng đổ cho ngoại cảnh khiến mình không giải quyết được vấn đề. Người can đảm nhất không phải là người không sợ gì, mà là người dám để cho người khác thấy nỗi sợ của mình và tìm cách vượt qua nó.
Nếu bạn và mình có duyên gặp nhau trong phiên coach, bạn hãy kiên nhẫn để suy nghĩ, và can đảm để đưa ra một câu trả lời đúng sự thật.
Comments