1. NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?
Một số người có quan điểm rằng người trẻ ít trải nghiệm, nên nỗi đau tinh thần của họ chẳng có ý nghĩa gì khi đem so với những nỗi khổ của những người lớn. Quan điểm này nghe qua thì có vẻ vô lý, nhưng nghe kỹ sẽ thấy... vô lý thật.
Đó là bởi nỗi đau luôn mang tính chủ quan, chỉ do cá nhân cảm nhận, vì vậy đem so nỗi đau của người này với người kia sẽ như một cuộc hội thoại mà mỗi bên nói một ngôn ngữ riêng, kết cục là không ai hiểu ai cả, dù cho những gì họ nói đều có ý nghĩa với bản thân họ.
Chính do nỗi đau không đo lường được, nên chỉ có cá nhân sở hữu nỗi đau ấy mới hiểu rõ họ cần làm gì để giải quyết. Một số người âm thầm chịu đựng, một số người tìm đến những nguồn trợ giúp truyền thống như bạn bè, gia đình để được an ủi, một vài người lại trả tiền để được chuyên gia giúp đỡ. Không có cách làm nào là đúng hay sai, bởi nó phụ thuộc vào tài nguyên mà mỗi người sở hữu, và kết cục cũng sẽ chỉ có cá nhân đó hưởng/chịu thôi.
2. NGƯỜI TRẺ CÓ CẦN TỈNH THỨC VÀ CHỮA LÀNH?
Hiện nay, nhu cầu sống tỉnh thức (mindful), tìm kiếm sự chữa lành (healing), ý thức bản thân (self-awareness), trị liệu (therapy) và khai vấn (coaching) đang là những khái niệm mới mẻ nhưng được đông đảo người trẻ quan tâm. Điều ấy khiến cho không ít người lớn, đặc biệt là những người thuộc các thế hệ trước băn khoăn: Những người trẻ vừa mới ra đời, hẵng còn non dại như vậy thì đã cần tỉnh thức chưa? Đã đủ đau để cần chữa lành chưa?
Trước khi trả lời cho những câu hỏi trên, mình muốn mọi người hiểu rõ một chút về hai khái niệm: tỉnh thức & chữa lành. Nghe thì đao to búa lớn, nhưng theo góc nhìn của mình và những gì mà mình hiểu biết, ta có thể định nghĩa ngắn gọn như thế này:
- Tỉnh thức (mindful): lối sống/ thực hành tập trung vào hiện tại, không phán xét, chú tâm vào những gì mình đang làm, từ đó tìm được sự bình an trong cuộc sống và gia tăng hiệu suất làm việc.
- Chữa lành (healing): phục hồi, thoát ra khỏi trạng thái mất cân bằng về thể chất/ tinh thần.
Từ hai khái niệm trên, có thể thấy lối sống tỉnh thức ngoài mang lại sự bình an trong tâm trí còn gia tăng hiệu quả làm việc, và việc quan tâm đến chữa lành sẽ giúp người ta nhanh chóng cân bằng lại cuộc sống, đặc biệt sau khi họ vừa trải qua một biến cố nào đó. Con người lúc nào cũng hướng tới một cuộc sống như thế, vậy sao lại phủ nhận nhu cầu đó ở người trẻ?
3. VÌ SAO LẠI PHỦ NHẬN NHU CẦU CHỮA LÀNH Ở NGƯỜI TRẺ?
Mỗi thời đại sẽ có những đặc điểm riêng, hình thành bởi hoàn cảnh của thời ấy, tạo ra những con người với nhiều điểm tương đồng. Khi thời thế và hoàn cảnh thay đổi, con người cũng thay đổi, khiến cho thế hệ sau mang những lối sống và tư duy khác hẳn thế hệ trước.
Chúng ta có thể quen thuộc với một cuộc sống bình yên như hiện tại, nhưng cuộc sống bình yên này thực tế cũng mới chỉ có được trong vài chục năm gần đây. Thế hệ trước hiểu rõ hy sinh cho độc lập tự do là như thế nào, thế hệ này hiểu rõ sự cô độc trong thời đại công nghệ ra sao. Khát khao nào mạnh hơn? Đau đớn nào lớn hơn? Mọi sự so sánh đều là khập khễnh.
Người ta sản xuất ra rất nhiều meme, tranh tấu hài, cười cợt trước sức chịu đựng kém cỏi của Gen Z so với thế hệ trước. Thế nhưng câu hỏi cần phải đặt ra ở đây chính là: vì sao chúng ta lại tập trung hoan nghênh sự chịu đựng?
Ai cũng sẽ chịu đựng khi cần. Nhưng khi không cần, sao lại phải chịu đựng?
4. CÓ NÊN TÍNH GIÁ CỦA SỰ BÌNH AN?
Có người nói: “Kiếm tiền dựa trên sự bất ổn tâm lý của người khác là không tốt.”
Thứ nhất, không phải bất cứ ai mong muốn tỉnh thức, chữa lành và bình an đều nhất thiết phải đang trong trạng thái bất ổn tâm lý. Bất ổn tâm lý thực ra là một khái niệm mang tính chủ quan, khó để đo lường một cách định lượng. Một người có nỗi đau tinh thần vẫn có thể sinh hoạt và làm việc tốt. Họ có thể sở hữu đầy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc sống, nhưng họ tự-cảm-thấy không ổn, hoặc muốn một cuộc sống chất lượng và bình an hơn so với hiện tại.
Thứ hai, câu nói trên hàm ý rằng vấn đề tâm lý, tinh thần là một chủ đề nhạy cảm, cần được che giấu, thương hại chứ không phải là mang ra bình luận giữa thanh thiên bạch nhật, hay thậm chí là mở dịch vụ để cung cấp cách giải quyết. Đó là thái độ coi thường và lảng tránh vấn đề. Khi người ta phủ nhận vấn đề, họ không khiến nó biến đi mất mà sẽ chỉ khiến người sở hữu vấn đề cảm thấy xấu hổ, thiếu đi sự cảm thông và do đó ngày càng đâm vào ngõ cụt, dễ sa vào những lời ngon ngọt cám dỗ từ kẻ xấu.
Thứ ba, vì sao việc kiếm tiền - một điều hết sức bình thường trong xã hội hiện tại - lại bị coi là không tốt khi áp vào trường hợp liên quan đến tâm lý? Quan điểm này phản ánh việc người ta phủ nhận tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần và tâm lý, cho rằng những vấn đề này không đáng để bỏ tiền ra giải quyết. Để hiểu rõ hơn tính vô lý của nhận định trên, ta hãy tưởng tượng đến một người bị đau răng, đến nha sĩ để chữa răng rồi nói: “Này, kiếm tiền trên sự đau răng của người khác là không tốt đâu.”
Bạn thấy buồn cười? Đó là vì bạn coi tình trạng của cái răng là điều dĩ nhiên quan trọng. Thế còn tinh thần thì sao?
5. LIỆU XÃ HỘI CÓ TRỞ NÊN TỐT ĐẸP HƠN KHI CHÚNG TA TỈNH THỨC?
Trong lịch sử nhân loại, những vấn đề mà chúng ta đang quan tâm hiện giờ như phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới, LGBTQ+, phân biệt giai cấp, khoảng cách giàu nghèo,… vốn chỉ được lôi ra ánh sáng khi những người bị áp bức đã dám vùng dậy đấu tranh. Trong quá khứ, họ đã luôn bị áp bức vì họ là thiểu số, sở hữu những đặc điểm mà số đông tìm cách chê bai, dè bỉu, khiến cho họ phải chịu đựng sự phân biệt đối xử tồi tệ và tự bản thân họ bị nhồi nhét cho phải chấp nhận điều ấy. Tuy nhiên, khi những cá nhân ấy tập trung vào hiện tại, nhận thức về bản thân mình, hiểu được những giá trị của mình, họ hiểu rằng họ cũng là một con người và do đó xứng đáng với sự tôn trọng như bao người khác. Đó là lúc người ta dám đứng dậy đấu tranh cho sự bình đẳng mà họ xứng đáng được nhận.
Khi tiếng nói được cất lên mới biết được có bao nhiêu người cùng chung ý tưởng. Và cũng nhờ đó mà trong những thập kỷ gần đây xã hội mới liên tục nổ ra các phong trào liên quan đến quyền con người, sự bình đẳng, sự tôn trọng và yêu thương. Vậy đã đủ để nói rằng khi các cá nhân sống tỉnh thức, xã hội trở nên tốt đẹp hơn hay chưa?
Comments