top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

TIÊN TRÁCH KỶ, HẬU TRÁCH NHÂN

Đã cập nhật: 30 thg 9, 2022


Thỉnh thoảng mình được các bậc cha mẹ book để coach cho con của họ. Với những ca này, mình kiểm soát đầu vào rất chặt. Bởi coaching dựa trên ý muốn, đồng thuận và cam kết của khách hàng. Mình sẽ không nhận coach nếu như không phải chính bạn đó muốn bản thân được coach.

Trẻ con có thể chưa nhìn rõ vấn đề và phân tích lợi hại được như người lớn, nhưng các phản ứng tâm lý thì chẳng khác gì người lớn cả, có chăng chỉ khác ở khả năng kiểm soát vấn đề và tính trách nhiệm về các khía cạnh trong cuộc sống. Với những bạn khách hàng nhỏ tuổi như thế, mình trò chuyện và tôn trọng các bạn nhỏ như những người trưởng thành, và quan trọng là không-giáo-điều. Bằng cách ấy, mình tạo không gian để các bạn có thể thực sự chia sẻ những mối bận tâm trong đời sống.

Gần đây có một trường hợp mình coach cho một bạn nhỏ, nhưng sau vài phiên coach thì trực giác của mình cho thấy mình cần phải làm việc với cha mẹ bạn thì đúng hơn. Nhiều khi cha mẹ thấy con ngỗ ngược, không biết điều, cảm thấy con cần phải thay đổi, nhưng có ngờ đâu chính do cách mình giáo dục con mới dẫn đến lối hành xử như vậy ở con? Nhiều cha mẹ gửi gắm con đi trại hè, tham gia các khoá tu, gửi con học hết lớp này đến lớp kia để con "biết điều" hơn, mà lại chẳng hề nghĩ rằng chính bản thân mình cũng cần phải học và thay đổi trong việc giáo dục con.

Có một sự thật là giáo dục của cha mẹ ở nhà sẽ hình thành tâm thế của đứa trẻ khi ra ngoài xã hội. Một số cha mẹ ngay lập tức nói: "Không liên quan, nhà là nhà, xã hội là xã hội, đâu phải tại tôi mà con hành xử thế với người khác?" Đây là lối suy nghĩ rất sai lầm vì con người ta luôn hướng đến sự nhất quán trong tính cách và lối hành xử. Một đứa trẻ ở nhà quen như thế nào thì có xu hướng ra ngoài cũng sẽ hành xử y như vậy, chỉ là thể hiện dưới một dạng khác.

Đúng như suy nghĩ của mình, sau khi mình coach cho cha mẹ của bạn nhỏ, cả mình và cha mẹ bạn đều vỡ ra được rất nhiều điều. Hoá ra lối hành xử "không biết điều" của bạn nhỏ đã được hình thành và củng cố qua năm tháng do cách đối xử của cha mẹ bạn. Cha mẹ không thống nhất được trong cách dạy con, cương không đến nơi mà nhu cũng không đến chốn, dần dà bạn nhỏ cho rằng bản thân có thể làm bất cứ điều gì cũng được bởi sẽ luôn có cha mẹ "chống lưng" cho. Lúc ấy mình chỉ đơn giản nói:

"Em có coach cho con thế nào mà cha mẹ không thay đổi trong cách tương tác với con thì cũng không giải quyết được gì đâu. Bản thân mình phải thay đổi trước rồi mới mong người khác thay đổi được."

"Thế nhưng con thất thường lắm, khó mà thay đổi hoàn toàn được." Mẹ bạn nói.

"Nếu như ngay cả chị - là người mẹ, người đồng hành và dẫn đường cho bạn ấy, cũng không tin tưởng bạn sẽ thay đổi theo hướng tốt lên, thì chị có nghĩ rằng bạn ấy tin nổi là chính mình sẽ tốt lên được không?"

Lúc ấy cha mẹ bạn mới vỡ lẽ cái gọi là "niềm tin giới hạn." Hoá ra điều mà họ mong muốn bấy lâu lại mâu thuẫn với niềm tin của họ, mà niềm tin ấy tạo ra thái độ, thái độ lại quyết định hành động, hành động tạo ra kết quả. Không có gì phải ngạc nhiên khi kết quả đạt được lại khác với những gì họ mong muốn, bởi ngay từ đầu họ đã chẳng hề tin vào một kết quả tốt đẹp.

Thế nên mới nói, tiên trách kỉ, hậu trách nhân, mình phải tự thấu suốt và rõ ràng trong cách mình suy nghĩ và hành xử đã, rồi mới hi vọng cuộc sống diễn ra theo cách mà mình mong muốn được.


Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page