Bài viết này không có ý quy chụp cả một thế hệ, nhưng trong thời buổi hiện nay khi mà "Gen Z" đã được gắn với quá nhiều sự quy chụp, tôi dùng cụm từ này chỉ nhằm mục đích hướng tới đúng đối tượng người đọc thôi.
Có lẽ khi nhắc tới chuyện đi làm của Gen Z, người ta sẽ ngay lập tức nghĩ tới những câu chuyện, những bài báo nói về: Gen Z làm việc theo hứng, Gen Z thích thì nghỉ ngang không báo trước, Gen Z kiêu căng, Gen Z sở hữu năng lực tốt nhưng thái độ kém, Gen Z nhạy cảm, Gen Z không chịu được feedback từ cấp trên/ đồng nghiệp,… và bên cạnh đó cũng sẽ là những bài báo: Gen Z kiếm được 200 triệu/tháng, Gen Z mua nhà cho mẹ, Gen Z start up thành công với thu nhập khủng,…Đôi khi ra các quán cà phê gần cũng có thể nghe thấy các bạn trẻ ngồi túm tụm lại để xây dựng kế hoạch kinh doanh cá nhân hay các dự án chuẩn bị triển khai.
Bên cạnh những lời khen ngợi về năng lực của thế hệ này, không ít những lời chê trách về thái độ và cái tôi quá lớn của những bạn trẻ mới chập chững bước vào đời và đi làm. Từ chuyện làm việc theo cảm hứng tới chuyện phản ứng tiêu cực khi được góp ý, và đặc biệt rất hay nhảy việc. Với những vấn đề như vậy, các nhà quản lý thế hệ trước đều rất lo lắng bởi không ai muốn bỏ công bỏ tiền đào tạo một người chỉ để người đó nghỉ việc sau khoảng vài tháng hay một năm. Và câu hỏi: “Làm thế nào để giữ chân Gen Z?” thực sự là một vấn đề khiến các quản lý không khỏi đau đầu.
Cá nhân tôi thấy có nhiều nguyên do cho việc này, có thể xét tới sự thay đổi trong văn hoá, tư tưởng, khoảng cách thế hệ, kinh tế… nhưng tôi sẽ chỉ tập trung vào một vài điều mà tôi đã có thời gian trải nghiệm và quan sát, với kinh nghiệm của một Coach đã làm việc với rất nhiều bạn trẻ Gen Z liên quan tới vấn đề sự nghiệp.
1/ Sự đủ đầy của cuộc sống
Trái với thế hệ trước phải lo lắng đi “xin việc”, Gen Z “tìm việc”. Ngôn từ có thể chỉ xuất phát từ việc quen miệng, nhưng tôi nghĩ nó cũng thể hiện rất nhiều sự khác biệt trong tư tưởng của hai thế hệ. Trong khi đa số Gen X, Gen Y có xu hướng đi làm công ăn lương và đề cao chuyện có một công việc ổn định và tinh thần gắn bó với công việc, coi cơ quan là bến đỗ, hiểu rất rõ hệ thống cấp bậc trong môi trường công sở, thì Gen Z coi công việc như quá trình học hỏi, hướng tới một cuộc sống cân bằng, linh hoạt và tự do, đề cao sự trải nghiệm hơn là ổn đ.
Sở dĩ có điều này vì hầu hết Gen Z hiện nay có điều kiện kinh tế (từ gia đình) tốt hơn thế hệ trước, do vậy họ ít bị trói buộc bởi áp lực tiền bạc và sự ổn định, và nhờ đó có được sự kiên nhẫn cùng với thời gian để đợi chờ tới lúc tìm ra một công việc phù hợp.
2/ Năng lực tốt và cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Rất nhiều bạn trẻ tìm tới tôi với băn khoăn: “Công việc hiện tại cũng ổn, nhưng tôi không biết có phù hợp với lộ trình phát triển của bản thân không?” Điều này có thể khiến nhiều bậc cha mẹ Gen X và Gen Y thấy khó hiểu bởi họ cảm thấy những người trẻ mới ra trường còn quá non nớt để tự vẽ ra lộ trình phát triển của bản thân trong thế giới luôn biến đổi. Thế nhưng thực tế là với sự phát triển của công nghệ và các loại hình dịch vụ, có vô vàn ngành nghề mới ra đời và nhiều lĩnh vực mới xuất hiện, tạo ra những công việc mới mẻ đầy hứa hẹn và những vai trò khác nhau trong xã hội, khiến cho việc lựa chọn nghề nghiệp giống như đi chợ mua hàng. Công đoạn tìm việc rút gọn lại chỉ bằng một cú nhấp chuột trên Google là xong chứ chẳng phải đi dò hỏi người này, rình mò người kia để xin thông tin.
Bên cạnh đó, những người trẻ còn được trang bị bộ kỹ năng ngoại ngữ, tin học, thuyết trình,… tốt hơn thế hệ trước rất nhiều, khiến cho họ gần như có thể tìm được một công việc nào đó ngay lập tức nếu như tiêu chí đặt ra chỉ là kiếm tiên. Hoặc ai muốn làm việc chân tay thì có thể nghĩ tới làm ở quán ăn, quán cà phê, chạy xe công nghệ, làm shipper,... hay thấm chí tự làm riêng như bán hàng online, người sáng tạo nội dung (content creator), các công việc freelance…
Trong tư duy của Gen X và Gen Y thì “thất nghiệp” là một chuyện cực kỳ đáng lo, còn Gen Z thường sẽ coi đó chỉ là “một khoảng nghỉ ngơi,” hoặc là họ tự tạo ra nghề nghiệp cho bản thân luôn.
3/ Xu hướng trong thị trường lao động
Khác với Gen X và Gen Y, Gen Z lớn lên trong công nghệ và mạng xã hội, và do đó đa phần bị ảnh hưởng bởi những luồng quan điểm định hướng từ các page và KOL. Có lẽ không khó để tìm thấy các bài viết về những người trẻ deal được mức lương cao ngất ngưởng hay có khoản tiết kiệm khổng lồ tự kiếm được. Chẳng rõ tính xác thực của những bài viết này đến đâu nhưng cái gì hiển thị với tần suất cao sẽ dần trở thành sự thật đối với độc giả. Từ đó nó tạo ra một áp lực khiến các bạn trẻ vừa mới ra trường đã sống chết quyết tâm có được một công việc như họ đã từng đọc thấy, không muốn thoả hiệp với những deal thấp hơn, khiến nhà tuyển dụng có cảm giác họ kiêu căng và “thiếu thực tế.”
Thế nhưng dĩ nhiên nhìn đi cũng phải nhìn lại. Nếu như một nhà tuyển dụng gặp quá nhiều các vấn đề với Gen Z thì cũng phải xem lại môi trường làm việc của công ty đã đáp ứng được so với sự phát triển của xã hội chưa. Nếu như Gen X và Gen Y thường sẽ nhẫn nhịn và chịu đựng thì Gen Z đơn giản chọn bỏ việc nếu như thấy công ty chưa chuyên nghiệp, độc hại, quản lý khắt khe, lương thấp,… bởi thực tế ngoài kia có rất nhiều công ty đã và đang chuyển mình, cố gắng đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ tinh thần của nhân viên.
Từ đó có thể thấy, thế nào là “thực tế” cũng là tuỳ góc nhìn và trải nghiệm của mỗi người.
4/ Nhu cầu khẳng định cái tôi
Nói một cách chính xác thì hầu hết nhân loại đều có cái tôi cao ngất ngưởng. Người tu tập bao nhiêu cũng sẽ thi thoảng phải đối mặt với cái tôi của bản thân. Để nói về điều này thì không gì hay hơn cuốn sách “Thuật xử thế của người xưa” viết bởi Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Tôi xin phép trích một đoạn ở đây cho mọi người cùng đọc:
“Con người dù tầm thường đến đâu thì bao giờ cũng có suy nghĩ riêng của bản thân và xem nó rất quan trọng. Đó chính là cái tôi trong mỗi người. Lòng tự ái là nguồn gốc cho rất nhiều chuyện đắng cay đáng tiếc. Trong các cái khổ, cái khổ do lòng tự ái gây ra là khó chịu uất ức hơn hết.”
Có thể thấy, nói rằng "cái tôi của Gen Z quá cao so với Gen X và Gen Y" là một sự hiểu lầm. Thế hệ nào cũng có cái tôi cao, bằng chứng là khi Gen X và Gen Y lên vị trí quản lý thì cái tôi bắt đầu được thể hiện ra, còn một số bạn trẻ Gen Z thì chỉ đơn giản thiếu đi sự khéo léo khi thể hiện ra cái tôi ngay từ lúc mới chập chững đi làm. Đây có thể coi là sự khác biệt trong tư tưởng giữa các thế hệ, bởi:
- Gen Z có xu hướng tự bươn trải và trải nghiệm, nghe theo KOL chứ không nghe theo định hướng của người lớn, lại thêm nhu cầu tự do ảnh hưởng từ phương Tây, khiến cho họ không (muốn) dành thời gian học những quy tắc ứng xử và sự khiêm nhường từ thế hệ trước.
- Gen Z có khả năng và nguồn lực để tự học tốt nên có tâm lý đốt cháy giai đoạn, không thực sự chú tâm vào sự “học hỏi” cần thiết khi mới bắt đầu bước vào thị trường lao động. Với đa số những người trẻ Gen Z, sự “học hỏi” mà họ tìm trong các công việc chỉ nằm ở kỹ năng xử lý công việc, và khi nào cảm thấy đủ đầy rồi họ sẽ nhảy sang công việc mới. Nhiều người trẻ hiện nay thiếu đi sự tinh tế và kiên nhẫn để thực sự hiểu rằng công đoạn “học hỏi” không chỉ gói gọn trong công việc mà còn ở thái độ, cách sống và rất nhiều thứ khó có thể thể đo lường được bằng KPI.
5/ Sự dắt mũi của mạng xã hội
Đây là điều khiến tôi cảm thấy khó chịu nhất, và thường không muốn dùng từ “Gen Z” cũng chính vì điều này. Người trẻ thời nay sống trong môi trường mạng xã hội chỉ trực chờ tạo trend và câu view, và những nhà sáng tạo nội dung thừa biết cách nắm bắt tâm lý của khán giả bằng những content mang tính tiêu cực, hài hước, châm biếm liên quan tới lối sống và làm việc của Gen Z hiện nay, thậm chí có thể tự dàn dựng ra những đoạn tin nhắn hay những video ngớ ngẩn để thu hút người xem. Một số bạn trẻ Gen Z cười hề hề cảm thấy đúng và được đồng cảm, nhưng một số Gen Z khác thì hết sức khó chịu vì cảm thấy cả thế hệ của mình đang bị khái quát hoá và mang ra làm trò cười. Gen X, Gen Y cũng dùng mạng xã hội, thấy những content đó thì cảm thấy như Gen Z hỏng hẳn rồi. Đây thực sự là một sự hiểu lầm tai hại.
Tóm lại, qua 5 điều trên tôi muốn lí giải một phần về những lí do khiến mọi người hay thấy các câu chuyện về các bạn trẻ Gen Z nhảy việc, từ kinh nghiệm mà tôi coach cho các bạn ấy và cũng là chiêm nghiệm về cuộc sống. Tôi nghĩ Gen Z bị dán nhãn và hiểu lầm bởi thế hệ trước khá nhiều, cũng như Gen Y bị hiểu lầm bởi Gen X và Gen X thì bị hiểu lầm bởi thế hệ Baby Boomers. Chính xác thì chúng ta đều có xu hướng không hài lòng với cách sống của thế hệ sau, hay còn gọi là “sự khác biệt thế hệ”, âu cũng do mỗi thế hệ lại sống trong luồng những tư tưởng và văn hoá khác nhau.
Tôi nghĩ thay vì chỉ trích Gen Z, chúng ta nên học cách tôn trọng sự khác biệt và tập trung xây dựng cầu nối giữa các thế hệ và tìm ra giải pháp là hơn. Khi tôi coach cho các bạn trẻ Gen Z, tôi thấy họ cũng lo lắng, đau khổ và thiếu tự tin về rất nhiều thứ trong công việc, chứ chẳng phải luôn giữ một thái độ tự mãn cho mình là nhất như mọi người hay hiểu lầm.
Có lẽ chúng ta chỉ cần học cách tôn trọng và nỗ lực thấu hiểu nhau hơn thôi.
Comentários