Mình từng có một niềm tin giới hạn, đó là sáng ra mà tập thể dục thì sẽ mồ hôi nhễ nhại, quần áo ướt đầm, cảm giác rất khó chịu.
Với những người chăm chỉ tập thể dục buổi sáng, câu nói này chắc hẳn nghe rất dở hơi. Thường những niềm tin giới hạn của chúng ta đều dở hơi cả, cho đến khi ta điểm mặt chỉ tên nó.
Mình đã suy nghĩ về nguyên nhân của nỗi sợ này và nhận ra, sở dĩ mình không thích đổ mồ hôi vào buổi sáng có lẽ xuất phát từ thời mình còn đi học, vào mùa hè trời rất nóng, trường thì không có điều hoà, chỉ cần chạy nhảy một chút hoặc vào tiết thể dục xong là người sẽ nhớp nháp. Mà sau đó thì đâu có được tắm hay thay quần áo, cứ ngồi đó đến hết tiết học thôi. Mình ghét cảm giác nhớp nháp ấy. Và mình ghét cảm giác buổi sáng đổ mồ hôi.
Trên thực tế, nỗi lo ngại đổ mồ hôi buổi sáng này đã ngăn cản mình vận động mạnh vào buổi sáng từ xưa đến giờ. Mình thường muốn tập thể dục vào khung giờ chiều tối hoặc tối, bởi khung giờ đó tập xong sẽ có thể đi tắm luôn. Thế nhưng bây giờ mình ở riêng, buổi tối mình lại hay có việc bận, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là... mệt, thế là không muốn tập thể dục nữa.
Cũng vài năm rồi mình chẳng mấy khi tập thể dục đều đặn. Thi thoảng cũng có đi tập nhưng chắc chỉ kéo dài được 1-2 tháng.
Rồi cơ thể biểu tình. Mình không thể nhắm mắt làm ngơ được nữa.
Mấy ngày vừa rồi ngồi ngẫm nghĩ về thời gian biểu hiện tại, mình nhận ra một điều bất-hợp-lý. Từ khi chính thức làm Coach tự do, mình không bị vướng bận vào lịch trình của tổ chức nào cả. Khoảng thời gian buổi sáng là khoảng thời gian thảnh thơi mà mình có thể tuỳ ý sắp xếp lịch. Vậy tại sao mình lại không tập vào buổi sáng, mà cứ phải để đến tối - khung thời gian mà mình hay bận rộn nhất? Trong khi bao nhiêu bạn đi làm full-time ao ước được ở nhà để tập thể dục và chăm sóc bản thân?
Nỗi sợ kia là một chuyện, mình nhận ra một nguyên nhân lớn của vấn đề nằm ở thói quen. Khi mình còn nhỏ, cứ đến tầm 5 giờ chiều là bố mẹ sẽ bảo đi tập thể dục đi nên dần cũng thành thói quen. Mình đã quá quen với việc cứ phải đến chiều tối và tối thì mới là khung giờ tập thể dục, chứ không thể nào là buổi sáng. Thói quen và tập quán là một thứ ăn sâu vào đầu đến mức người ta thường không biết tại sao mình làm một việc gì đó, kể cả khi việc ấy không còn phù hợp với họ nữa.
Mình nhớ tới bài giảng của giáo sư môn Xã hội học toàn cầu cách đây nhiều năm, nói rằng sở dĩ dân số tăng nhanh sau Cách mạng Công nghiệp là do thói quen sinh đẻ của con người. Thầy nói rằng thực ra dân số toàn cầu sẽ chỉ tăng đến một mức nào đó rồi sẽ giảm, chứ không phải là tăng mãi rồi Trái Đất chật ních người như nhiều người lo sợ. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do con người chưa kịp thích nghi với một hiện thực mới.
Dân số thế giới tăng nhanh nhất trong giai đoạn sau Cuộc Cách mạng Công nghiệp vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Giai đoạn này được gọi là "Cách mạng Dân số" (Population Revolution). Trong giai đoạn này, tốc độ tăng dân số tăng vọt nhờ có sự phát triển của Nông nghiệp - gia tăng lượng thực phẩm, và Y học - cải thiện sức đề kháng, giúp ngăn ngừa các dịch bệnh và giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh. Trước Cuộc Cách mạng Công nghiệp, tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh rất thấp, thường dưới 50% và thậm chí có thể thấp hơn nữa ở một số khu vực. Sau Cuộc Cách mạng Công nghiệp, tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh thường vượt quá 90% và có thể lên tới 99% hoặc cao hơn.
Do đó, giả sử hồi xưa trong 10 đứa trẻ được sinh ra thì có 5 đứa sống sót, thì sau Cách mạng Công nghiệp, ngày nay trong 10 đứa trẻ sinh ra thì có đến 9-10 đứa sống sót. Tuy nhiên, con người khi ấy vẫn giữ thói quen đẻ nhiều để đảm bảo nhân lực làm việc trong tương lai, vậy nên dân số thế giới mới tăng vọt lên như vậy.
Trong bối cảnh văn hoá Việt Nam, chắc hẳn bạn cũng hay nghe thấy những câu như "Nhà đông con mới vui" hoặc "Con cháu đầy đàn như cây lúa trổ bông." Đây chính là hệ quả của một thời phải sinh con đàn cháu đống để đảm bảo nhân lực lao động trong gia đình trước những nguy cơ như c.hết đói hoặc dịch b.ệnh. Người ta vô thức tin vào những điều này, lặp lại những câu ca dao, tục ngữ và những lời khuyên này với nhau, bỏ qua hiện thực rằng tỷ lệ trẻ sơ sinh sống sót đã tăng cao nên không cần đẻ nhiều như trước nữa. Và chỉ đến khi nhà nước ra điều luật mỗi nhà chỉ được phép có 2 con thì các gia đình mới ngậm ngùi làm theo.
Thói quen dần ăn sâu vào cuộc sống. Giờ hầu hết các gia đình đều nghĩ tới con số 2 khi nghĩ đến chuyện đẻ con, chứ không phải con số 7, 8, 9, 10 như xưa.
Quay trở lại với chuyện tập thể dục. Sau khi mình nhận ra mình đang lãng phí thời gian và làm tổn hại sức khoẻ khi cứ tránh né tập thể dục buổi sáng, mình đã quyết tâm sáng nay phải tập luyện.
Mình đã làm được điều ấy. Thực sự là cảm giác vô cùng sảng khoái và khoẻ khoắn.
Hoá ra, việc đổ mồ hôi vào buổi sáng chẳng có gì đáng sợ, vì sau khi tập thì mình có thể đi tắm. Rất đơn giản. Vậy mà cả chục năm qua mình không làm chỉ vì e ngại một điều không thực tế.
Niềm tin giới hạn là một thứ kỳ cục như thế. Nó ngăn cản bạn sống cuộc đời bạn muốn chỉ bằng một lý do ngớ ngẩn.
-------
Nếu bạn thấy bản thân đang có nhiều niềm tin giới hạn ngăn trở mình sống cuộc đời mình muốn, bạn có thể tham khảo chương trình Khai vấn Tự tin dành cho cá nhân cùng với mình tại đây Khi tham gia Khai vấn Tự tin, bạn sẽ được hỗ trợ để:
Tìm ra những giá trị cốt lõi mà bạn sở hữu, phá bỏ những niềm tin giới hạn của bạn về bản thân
Vượt lên những tổn thương trong quá khứ đang giới hạn, kìm hãm bạn trong cuộc sống hiện tại
Thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của những mối quan hệ độc hại
Rũ bỏ sự mệt mỏi, chán chường về tương lai, làm đầy hy vọng trong mình về một tương lai tốt đẹp hơn
Kiến tạo một tương lai mà bạn khao khát
Lên kế hoạch để từng bước đi đến tương lai mà bạn mong đợi
Lộ trình Khai vấn Tự tin kéo dài trong vòng 3-6 tháng. Bên cạnh các phiên coach 1-1, bạn sẽ cần hoàn thành bài tập và hành động để vượt qua những cột mốc thử thách trên hành trình bứt phá giới hạn của bản thân, trở nên tự tin hơn vào chính mình.
Hãy inbox mình nếu bạn quan tâm nhé!
Coach Mai Anh
Comments