top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

CON ẾCH TRẮNG

Hôm trước một người bạn của mình có đi đến Chùa Long Hưng để nghe Talkshow của Thầy Minh Niệm. Khi về nhà, bạn xúc động thuật lại cho mình nghe một câu chuyện về con ếch trắng mà Thầy kể trong Talkshow:

Ở Việt Nam có một món ăn rất kỳ lạ, đó là ếch dừa. Người ta khoét một lỗ nhỏ trên trái dừa nạo và bỏ con nòng nọc vào trong đó rồi chôn xuống đất. Khoảng chừng 2-3 tuần sau người ta lấy lên, bổ trái dừa ra và có được một con ếch béo tròn màu trắng đục.

Con ếch đó màu trắng và bị mù vì suốt thời gian ấy nó sống trong điều kiện chật chội, đen tối, không có chút ánh nắng, chỉ biết ăn dừa để duy trì sự sống. Con ếch tuy trắng trẻo, béo tròn, nhưng nó ngoan ngoãn ngồi bất động như một chú ếch bằng nhựa. Nó cũng quá yếu ớt để có thể tự thân sinh tồn trong thế giới bên ngoài. Người ta thích đem nó kho tiêu vì thịt nó có vị dừa và rất ngon.



Một câu chuyện có thể được hiểu theo nhiều cách. Với mình, chuyện về con ếch trắng này là ẩn dụ của những bạn trẻ được cha mẹ, gia đình bảo bọc quá nhiều, đến nỗi chẳng biết mình thích gì, muốn gì và có định hướng gì trong cuộc sống. Con ếch trắng được bảo bọc kín mít trong trái dừa, thức ăn sẵn có trong trái dừa, cứ há miệng đớp dừa để lớn lên. Mắt nó chẳng để làm gì nên dần chức năng bị tiêu giảm. Nó chẳng biết bên ngoài trái dừa có gì, cũng chẳng học được kỹ năng sinh tồn nào khi đi ra ngoài trái dừa. Khi trái dừa được bổ ra, nó chỉ ngồi yên, ngơ ngác.

Cuộc đời của con ếch trắng đã được ấn định từ trước, là đem đi kho tiêu. Làm món ếch dừa thơm ngon.

Nhiều bạn trẻ được cha mẹ dặn dò phải học giỏi, hành xử như những đứa con ngoan. Khi tốt nghiệp cấp ba rồi thì vào đại học. Vào đại học xong thì đi làm, rồi lập gia đình, sinh con, nuôi con,... Cả quá trình ấy cha mẹ đã sắp đặt sẵn từ trước, đứa con gần như không cần phải biết về mục đích của những việc mà mình làm.

Cho đến một ngày, đột nhiên họ chẳng có động lực để làm gì cả. Khủng hoảng, mất phương hướng, mất kết nối với công việc,... Họ không biết mình đang làm việc vì cái gì.

Hiệu suất làm việc của họ đột ngột giảm. Sếp cảm thấy không vui, đồng nghiệp bị ảnh hưởng. Họ loay hoay tìm lý do giải thích, nhưng cũng chẳng biết giải thích như thế nào.

Trước tình cảnh ấy, nhiều người vội đi tìm tới công cụ, cách thức và mẹo để "tăng năng suất làm việc". Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi, là giải pháp tạm thời. Năng suất làm việc của một người chỉ có thể "tăng bền vững" khi người đó có đủ động lực để làm việc.

Và để có động lực làm việc, bạn cần có mục đích làm việc. Để có mục đích làm việc, bạn cần hiểu bản thân đã!

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page