top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Người mẹ thu điện thoại của con gái lúc 11 giờ đêm

Một người mẹ có đứa con gái đang học đại học xa nhà. Mỗi khi con về nhà, cứ sau 11 giờ đêm người mẹ sẽ thu điện thoại của con gái. Người mẹ giải thích cho hành động này của mình: "Tôi làm vậy để quản lý nó. Nó tự lập được thì tôi đã không phải như vậy. Đợt Covid tôi còn thu cả máy tính của nó cơ mà!"

Rất nhiều người trẻ vào phản hồi: "Cô tính bao bọc con mình tới khi nào? Tới khi bạn ấy lấy chồng thì cô cũng đi theo quản hay gì?"

Người mẹ nói: "Tôi còn mong nó lấy chồng sớm đi, nó lấy chồng thì tôi hết trách nhiệm, đỡ phải quản."



Với hành động thu điện thoại lúc đêm khuya của người mẹ, mình không đánh giá gì về tính văn minh. Quy tắc trong mỗi gia đình sẽ tạo ra những cá nhân khác nhau khi ra ngoài xã hội, chưa chắc ai đã "văn minh" hơn ai. Dẫu sau thì việc sử dụng điện thoại lúc đêm khuya cũng không mang lại lợi ích cho sức khoẻ, và mình cũng biết nhiều gia đình hạn chế việc sử dụng điện thoại và xem vô tuyến vào buổi tối nhằm mục đích gia tăng kết nối giữa các thành viên, vậy nên mình thấy hành động này là tuỳ lựa chọn của mỗi nhà.

Tuy nhiên, mình không đồng tình với mục đích mà người mẹ đưa ra: Quản lý con gái cho tới khi con lấy chồng.

Nói như vậy, có nghĩa rằng cuộc đời của cô gái ấy sẽ luôn phải chịu sự kiểm soát của một người nào đó? Khi cô gái còn độc thân thì mẹ quản, lấy chồng thì chồng quản. Nó khiến mình nhớ tới thuyết "Tam tòng" áp vào người phụ nữ khi xưa của Nho giáo:

1. Tại gia tòng phụ: người phụ nữ khi còn ở nhà phải nghe theo cha.

2. Xuất giá tòng phu: lúc lấy chồng phải nghe theo chồng.

3. Phu tử tòng tử: nếu chồng qua đời phải nghe theo con trai.

Niềm tin này, cộng với những định kiến xã hội trọng nam, khinh nữ đã khiến cho số phận người phụ nữ khi xưa trở nên nghiệt ngã, phụ thuộc. Bởi lẽ, cả cuộc đời họ phải chịu cảnh sống phụ thuộc, dựa vào sự định đoạt mà người khác dành cho họ. Người phụ nữ chẳng hề có quyền hành, tiếng nói để bảo vệ cho cuộc sống của mình. Vì là phụ nữ nên họ phải phục tùng người đàn ông - người cha, người chồng, người con trai của họ. Ngày nay, thuyết "Tam tòng" không còn tác động nặng nề tới tư tưởng của người Việt Nam như trước, nhưng niềm tin rằng người phụ nữ phải luôn phụ thuộc vào một người nào đó vẫn còn hằn sâu trong đầu của rất nhiều người.

Mình nhớ tới một trường hợp mà mình đang khai vấn cho. Bạn gái cảm thấy bất lực và mệt mỏi khi bố quản thúc mình quá chặt, trong khi người anh trai thì được quyền thoải mái làm gì cũng được. Người bố đơn giản tin rằng: Con gái có nhiều mối lo hơn nên phải quản lý chặt hơn để bảo vệ. Nhưng bảo vệ được tới đâu thì chưa biết, chỉ biết là giờ cha và con không giao tiếp được với nhau nữa.

Hay cũng là một trường hợp khác. Người mẹ ngày nào cũng cằn nhằn về việc con gái chưa lấy chồng, dù con còn rất trẻ. Cô gái đó nghe thấy mẹ mình nói chuyện với hàng xóm: "Ở tuổi này mà tôi vẫn phải lo lắng nhiều quá! Tôi chỉ đợi con lấy chồng để đẩy trách nhiệm sang cho nhà chồng nó lo." Người con gái cảm thấy vừa thương mẹ vừa bức xúc cho chính mình. Cô gái ấy cố gắng kiếm thật nhiều tiền để có thể nhanh chóng tự chủ, không phụ thuộc vào gia đình nữa.

Dẫu biết việc bao bọc và che chở con gái là điều mà cha mẹ nào cũng mong muốn làm tròn trách nhiệm trong một thế giới đầy rẫy những cạm bẫy, nhưng cách dạy dỗ này của cha mẹ cũng sẽ tạo ra sự GÁN NHÃN (labelling) cho đứa con. Khi cha mẹ tin rằng con gái mình là người yếu đuối, phụ thuộc, lúc nào cũng cần người khác (chồng/bạn trai) bao bọc, tự mình không sống nổi, xung quanh toàn mối nguy hiểm..., họ sẽ gieo vào đầu đứa con gái niềm tin ấy về bản thân. Từ đấy, đứa con sẽ vô thức suy nghĩ, quyết định và hành xử theo cái cách để củng cố niềm tin này, mà theo thuật ngữ trong chương trình của mình thì sẽ gọi là Niềm tin Giới hạn (Limiting Belief). Kết quả là, đứa con gái lớn lên trở thành một người yếu đuối và phụ thuộc - đúng như hình ảnh mà cha mẹ đã gieo vào đầu họ.

Trái lại, những người con trai thường được cha mẹ tin tưởng/giáo dục về sự mạnh mẽ, khôn ngoan, tự lập, tự chủ và có trách nhiệm. Người con trai sẽ tin rằng mình là người như vậy, và cố gắng hành xử để trở thành người như vậy. Cha mẹ cho rằng kết quả mà con họ đạt được vốn dĩ là do giới tính, nhưng thực tế chính là nhờ những niềm tin và cơ hội mà họ đã trao cho người con trai xuyên suốt quá trình lớn lên.

Con trai hay con gái cũng vậy, đều cần được cha mẹ đối xử bình đẳng và trao cho những cơ hội để phát triển bản thân một cách toàn diện. Không ai có thể phụ thuộc vào ai cả đời, và cũng không ai hạnh phúc khi phải phụ thuộc vào người khác cả đời. Sao những bậc cha mẹ trên không tính tới một phương án bền vững hơn là giáo dục con cách tự lập, tự chủ và mạnh mẽ ngay từ khi còn nhỏ, để sau này dù có chuyện gì xảy ra thì con cũng vẫn sẽ tồn tại được? Dù ở bên cạnh con là ai, con vẫn sẽ là phiên bản tốt nhất của chính mình?

Một số cha mẹ có thể cho rằng mình sẽ rảnh tay khi đẩy con gái cho người khác lo, nhưng người ta "lo" như nào thì chẳng ai đoán trước được. Đến cái câu "Anh nuôi em" tràn lan trên mạng nghe ngọt tai vậy mà nhiều chị em có chồng rồi phải xông vào can, kể lể ấm ức vì có ai ngờ chồng nuôi thật nhưng lại cằn nhằn chuyện chi tiêu, không cho phép những khoản chi mà họ muốn. Hoá ra, cái cảm giác tự chủ và tự do vẫn là cảm giác thoải mái nhất. Phụ thuộc vào người khác sẽ luôn phải trả giá bằng một cách nào đó, mà cái giá đầu tiên phải trả là sự tự tin vào bản thân mình.

Quay trở lại với cô gái bị mẹ thu điện thoại lúc 11 giờ đêm. Cô gái ấy có niềm tin như nào về bản thân? Cô ấy có tin rằng mình được quyền quyết định cuộc đời khác với mong muốn của mẹ hay không?

Và điều mà mình tò mò nhất, là cô gái ấy sẽ là ai nếu như cô ấy không lấy chồng?

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page