top of page

Làm gì khi bản thân thiếu kỷ luật?

Ai cũng biết rằng tính kỷ luật (self-discipline) chính là đặt ra mục tiêu và kế hoạch rồi cố gắng hoàn thành mục tiêu đó. Người có kỷ luật sẽ không để cho cảm xúc, sự buông thả và sự lười biếng làm ảnh hưởng tới mục tiêu.

Thế nhưng, không phải ai trong chúng ta cũng lý trí như vậy. Có những người thích chiều chuộng cảm xúc, có những người lại chờ đợi được người khác thúc giục, có người lại thiên về sự bột phát theo cảm hứng hơn.

Nếu nói rằng một người phải cực kỳ quyết tâm và rèn luyện, không để cảm xúc ảnh hưởng tới hành động thì mới gọi là có kỷ luật, mình e là nhiều người sẽ gục ngã ngay từ đầu hành trình.



Khi mình coach cho những khách hàng gặp vấn đề về động lực và kỷ luật, mình thường định nghĩa kỷ luật là như thế này:

"Bạn TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI cho bản thân để thực hiện một hành động nào đó nhằm hoàn thành mục tiêu."

Một trong những lý do mà chúng ta khó tuân theo kỷ luật là vì chúng ta thường đặt ra những mục tiêu quá khó khăn, ngoài tầm với ngay từ ban đầu. Thường con người có xu hướng chọn thực hiện những thứ dễ dàng, thoải mái và quen thuộc trước, nên cái mục tiêu khó khăn kia bạn sẽ dễ đẩy lùi về sau để "khi nào có thời gian sẽ làm." Chỉ đến khi quá muộn để hoàn thành mục tiêu, bạn mới cuống cuồng lên. Và bạn lại trách bản thân vì sao không có kỷ luật.

Ngoài ra, chúng ta cũng có xu hướng muốn thấy kết quả ngay. Điều đó khiến cho bạn, sau khi "kỷ luật" được vài ngày mà chưa thấy kết quả rõ rệt, sẽ có xu hướng buông xuôi và quay về với những gì quen thuộc.

Vậy nên, để bắt đầu một thói quen nào đó, trước tiên bạn nên chọn một mục tiêu nhỏ và dễ dàng. Ví dụ, thay vì ép bản thân ngay lập tức mỗi ngày chạy bộ 10km, bạn có thể bắt đầu từ 2km đã, rồi tăng dần lên. Việc hoàn thành được 2km trong những ngày đầu sẽ khiến bạn có cảm giác thành tựu, và sẽ thúc đẩy bạn "theo đà chiến thắng xông lên."

Bởi bạn đã biết là mình có thể hoàn thành việc chạy bộ này. Nó sẽ giúp cho bạn, khi gặp trở ngại, có động lực để loại bỏ cám dỗ vì bạn đã tin rằng chính mình có thể làm được việc này.



Ngoài ra, bạn cần hiểu bản thân có xu hướng như nào nữa. Ví dụ, sáng nay mình coach cho một chị có xu hướng ưu tiên công việc của tập thể có deadline rõ ràng, vì nó khiến chị ấy cảm thấy bản thân có trách nhiệm hơn là công việc mà chị tự đặt ra. Điều đó giúp chị hoàn thành rất tốt những công việc của tập thể, thế nhưng dự án của bản thân thì chị bỏ bê nửa năm rồi. Sau khi mình giúp chị chỉ ra mô thức hành vi này, mình gợi ý chị nên tạo điều kiện để bản thân thực hiện những dự án riêng bằng cách gán nó vào một deadline của tập thể, hoặc tìm một người nào đó cùng làm với chị để tăng tính cam kết.

Với mình, kỷ luật sẽ được tạo ra khi bạn hiểu bản thân đủ để biết bạn sẽ lựa chọn hành động như thế nào trước một tình huống. Và bạn xếp đặt điều kiện cho hành động ấy xảy ra một cách dễ dàng nhất.

Chứ bạn càng cố gò ép bản thân ngay từ đầu, lại chỉ càng dễ bỏ cuộc sau một thời gian ngắn thôi.


Coach Mai Anh

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page