top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Giới trẻ đang lạm dùng từ Red Flag?

Mình rất không thích cách mà các bạn trẻ bây giờ lạm dụng từ RED FLAG.

Trong công cuộc khai vấn của mình, nhiều khách hàng dù tìm đến với mục tiêu sự nghiệp lúc ban đầu nhưng đến giữa hành trình thì hay bộc lộ ra cả những vấn đề trong các mối quan hệ, đặc biệt là tình cảm.

Họ nói rằng không dám kể cho ai những chuyện này vì sợ phán xét. Họ đã từng kể cho bạn thân, thì bạn thân chỉ đơn giản nói: "Người này red flag đấy, đừng yêu/chia tay đi!" Hoặc tệ hơn thì: "Mày có quá nhiều red flag, đừng yêu ai mà làm khổ người ta nữa."



Nghe những câu nói này từ bạn bè, một là họ thấy tức giận, hai là khiến họ đóng mình lại, mặc cảm, tự ti, không dám yêu đương nữa. Đối phương thì lo lắng, không hiểu chuyện gì đang diễn ra, cảm thấy như bị một gáo nước lạnh dội vào mặt.

Lí giải vì sao dùng từ "red flag"/cờ đỏ (cho những ai chưa biết), thì đây là dấu hiệu cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra. Trong văn hóa đại chúng, red flag thường dùng để ẩn dụ về người, mối quan hệ hoặc tình huống mà bạn nên đề phòng. Ví dụ cho red flag: người yêu có dấu hiệu bạo lực/ crush hay "thả thính" với người khác/ công ty đối xử với nhân viên không tốt,...

Thông thường, người trẻ hiện nay dùng từ reg flag nhiều nhất cho các mối quan hệ tình cảm. Cũng phải thôi, chủ đề yêu đương hẹn hò chưa bao giờ hết nóng mà! Và ai thì cũng sợ mình mắc phải sai lầm khi bước vào một mối quan hệ nên luôn cẩn trọng tìm ra những dấu hiệu không tốt để đề phòng, vậy nên việc thảo luận về red flag với những người mình tin cậy là rất hợp lý.

Thế nhưng, bên cạnh đó chúng ta cũng nên nhớ rằng red flag là một thứ rất chủ quan. Có những dấu hiệu mà bạn cho là không tốt, độc hại (do văn hoá, môi trường bạn sống hoặc là do trải nghiệm trong quá khứ của bạn), nhưng chưa chắc nó đã là không ổn với tôi (do văn hoá, môi trường tôi sống hoặc là do trải nghiệm trong quá khứ của tôi).

Thay vì cùng giao tiếp, chỉ ra những điều cụ thể không ổn và có thể thay đổi, người bạn thân khi nghe câu chuyện chỉ đơn giản nói: "Người này là red flag đấy!" Vậy là xong. Bạn ngay lập tức "dán nhãn" partner là red flag và bạn nhìn partner của mình như một cá thể độc hại, cần phải tránh xa, trong khi hầu hết các vấn đề chỉ thường nằm ở một vài hành vi không phù hợp chứ không phải do toàn bộ cả con người. Thế là đi tong luôn khả năng bạn và partner cùng ngồi xuống trò chuyện để thay đổi tình hình theo hướng tích cực.

Đây cũng chính là lý do mà nhiều người chọn tìm đến các chuyên gia tư vấn, khai vấn để kể câu chuyện của mình hòng tìm lối ra, sau khi đã quá mệt mỏi với những lời khuyên thiếu cảm thông từ bạn bè. Theo như lời một khách hàng gần đây tâm sự với mình thì: "Em không còn dám kể câu chuyện về bạn trai cho bạn bè nghe nữa. Chúng nó cứ nói là red flag đấy, khuyên em chia tay đi nhưng mà em cũng thương bạn ấy. Giờ em kể cho bạn thì cảm giác bị phán xét, nên chỉ biết tự nghĩ ngợi thôi."

Thế nên, khi nghe bạn bè kể lể về một mối quan hệ đang gặp trục trặc, thay vì dán nhãn người kia là red flag và đẩy bạn mình ra xa, bạn có thể làm những điều sau:

  1. Lắng nghe

  2. Hỏi lại để làm rõ chi tiết

  3. Lặp lại điều 1&2 tầm vài chục lần

  4. Hỏi: "Theo bạn thì chuyện này có thể hiểu như thế nào?"

  5. Hỏi: "Theo bạn thì chuyện này có thể xử lý như thế nào?"

  6. Sau khi nghe toàn bộ câu chuyện, vẫn muốn đưa ra lời khuyên thì hỏi: "Tôi có một vài góc nhìn, bạn có muốn nghe không?" => Nếu bạn mình muốn nghe thì mình nói, không muốn nghe thì đừng nói vì có thể họ không sẵn sàng hoặc không cần.

Vậy thôi. Hãy thực sự là một người-bạn-khi-cần (a friend in need) nhé!

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page