top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Mọi ngôn từ đều để lại hậu quả. Mọi sự im lặng cũng vậy

Trong phiên coach ngày hôm nay, bạn khách hàng chia sẻ với mình về một quãng thời gian xuống dốc trong quá khứ: "Vào thời điểm em nhận được kết quả thấp như vậy, bố mẹ em không nói gì cả. Sự im lặng ấy còn dày vò và làm em đau khổ hơn cả việc bố mẹ đánh đòn."

"Em đã làm gì sau sự kiện này?" Mình hỏi.

"Sau lần ấy, em tự vấn bản thân rất nhiều, rồi từ đó em quyết tâm thay đổi để không làm bố mẹ thất vọng nữa. Thực sự em như trở thành một con người khác trước và sau chuyện này."

Câu chuyện mà bạn khách hàng chia sẻ làm mình nhớ tới một câu của Jean-Paul Sartre: “Every word has consequences. Every silence, too" (Mọi ngôn từ đều để lại hậu quả. Mọi sự im lặng cũng vậy).

Trong thực tế, chúng ta luôn muốn hướng tới sự rõ ràng và rành mạch trong giao tiếp. Chúng ta đề cao những người có khả năng giao tiếp vì đó là một công cụ cực kỳ hiệu quả để truyền đạt thông tin và kết nối với người khác. Tuy nhiên, giao tiếp không có nghĩa là chỉ "nói". Giao tiếp có thể bằng ngôn ngữ (verbal), phi ngôn ngữ (non-verbal), qua văn bản (written), qua hình ảnh (visual) và lắng nghe chủ động (active listening).

Và một công cụ rất quyền lực, là sự im lặng.



Trong các phiên mà mình từng coach, có khá nhiều câu chuyện về sự "lột xác", thay đổi bản thân ngoạn mục được thúc đẩy bởi sự im lặng. Thường là sự im lặng quyền lực này đến từ cha mẹ và những người quan trọng với người kể chuyện. Đấy là những câu chuyện với cái kết có hậu.

Bên cạnh đó, cũng có những câu chuyện kể về việc đối xử im lặng (Silent Treatment) kéo theo hệ quả trầm trọng. Đối xử im lặng là hành động cố tình rút lui khỏi một cuộc tương tác, từ chối tham gia thêm và khiến người khác không thể tiếp xúc trong một thời gian dài (chúng ta có thể gọi là ghosting theo ngôn ngữ của giới trẻ). Đây có thể coi như một biện pháp trừng phạt, thao túng hoặc kiểm soát cảm xúc. Mặc dù loại hành vi này phổ biến hơn trong mối quan hệ yêu đương lãng mạn, nó cũng có thể xảy ra với các thành viên gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp.

Mình đã gặp một bạn trẻ luôn cảm thấy bản thân phải chạy theo chiều lòng người yêu hiện tại và không dám thể hiện ra nhu cầu của bản thân. Khi truy tìm nguyên nhân, bạn thấy được mối liên hệ với việc mẹ bạn đã luôn đối xử im lặng với bạn mỗi khi bạn làm sai, nên thành ra bạn rất sợ mỗi khi người yêu mình im lặng. Đây là một hiện tượng rất phổ biến. Nghiên cứu (*) chỉ ra rằng khi bị đối xử im lặng, người ta cảm thấy bị đe dọa đối với nhu cầu được thuộc về (sense of belonging), lòng tự trọng, quyền kiểm soát và sự tồn tại của mình. Họ có thể cảm thấy bản thân vô hình, giống như sự tồn tại của họ không quan trọng nữa vậy.

Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng sự im lặng - cũng như mọi hình thức giao tiếp khác - đều mang ý nghĩa chủ quan. Cùng một tình huống nhưng mỗi người lại có thể hiểu sự im lặng theo một nghĩa hoàn toàn khác. Một cặp đôi cãi nhau rồi im lặng, một người thì cho rằng đây là thời gian để hai bên dịu bớt, một người lại nghĩ rằng người kia đang giận mình. Mình cũng từng nghe một người bạn đi du học ở Canada kể rằng có lần giáo viên người Canada khiển trách một bạn học sinh châu Á, bạn học sinh cúi gằm mặt xuống và không nói gì cả. Bạn học sinh coi đó là sự tôn trọng, còn người giáo viên thì hết sức khó chịu vì cho rằng bạn học sinh đang không thèm nghe lời mình nói. Mỗi bên hiểu sự im lặng theo những ý nghĩa khác nhau do khác biệt văn hoá, khiến cho cả hai có những hiểu lầm tai hại.

Vậy nên mình muốn nói rằng, không chỉ lời nói mà cả sự im lặng cũng có thể để lại hậu quả. Nếu bạn quyết định sử dụng nó để giao tiếp, hãy cẩn thận với nó. Để hạn chế hậu quả tiêu cực không đáng có, ngay cả khi bạn lựa chọn sử dụng sự im lặng, hãy chắc chắn rằng mục đích của bạn là để tạo ra không gian suy nghĩ nhằm phục vụ một mối quan hệ lành mạnh. Tốt nhất là hãy thẳng thắn nói với đối phương: "Tôi không muốn nói vào lúc này” hoặc “Cảm xúc của tôi đang không ổn để nói chuyện. Chúng ta sẽ nói sau nhé!"

Còn nếu bạn cố tình dùng sự im lặng để trừng phạt đối phương, hoặc bạn thấy đối phương cố tình dùng hình thức này để trừng phạt mình, thì thành thật với bạn, hành vi đó độc hại, và mối quan hệ này cần xử lý đấy.


Coach Mai Anh

. .

(*) Williams, K.D, Shore, W.J, & Grahe, J.E. (1998). The Silent Treatment: Perceptions of its Behaviors and Associated Feelings. Group Processes & Intergroup Relations, 1 (2), 117-141.

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page