top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

Các lớp học "chữa lành" là lừa đảo?

Hôm trước mình đọc được một bài viết chỉ trích phong trào "chữa lành". Bạn này theo chân một người bạn tới một buổi học viết “chữa lành” vì tò mò xem học viết chữa lành là gì. Trong vai một học viên, bạn ngồi chăm chú lắng nghe nội dung buổi học. Trong khi những người khác trong lớp đều khóc sụt sùi và cảm thấy tâm trạng thoải mái hơn khi viết và kể ra được những vấn đề của mình, bạn lại cảm thấy khó chịu và cho rằng nó không giống với các bước trị liệu writing therapy mà bạn từng đọc trên Psychology Today. Và bạn cũng không thích việc người ta thương mại hoá những thực hành tâm lý một cách quá mức, đặt nó trong những câu chuyện mà đôi khi mọi người còn không hiểu “tại sao cái này cũng chữa lành được?". Đồng thời, bạn cho rằng "những khoá học, coaching nào cứ gắn với những từ như “chữa lành” hay miêu tả bằng những điều rất trừu tượng trong khi facilitator chỉ có 1 certificate tâm lý từ Linkedin Learning hoặc Coursera, chắc chắn đó là một khoá học chúng ta chỉ ngồi mơ màng qua ngày."

Với tư cách là một Coach có chứng chỉ của Liên đoàn khai vấn quốc tế ICF, cũng không kinh doanh "chữa lành" mà kinh doanh coaching/khai vấn, mình không bị ảnh hưởng gì từ bài viết này. Nhưng mình muốn đưa ra một góc nhìn khác cho vấn đề này.



Mình thấy rằng việc tỉnh thức & chữa lành được mọi người quan tâm nhiều hơn gần đây một phần cũng là hệ quả của dịch Covid-19. Dựa theo góc độ nghề nghiệp của mình, số lượng những người bị ảnh hưởng tâm lý trong giai đoạn dịch & lockdown là không nhỏ, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, nhu cầu được "chữa lành" gia tăng là một chuyện hết sức bình thường. Có cầu thì mới có cung, mọi người từ đó quan tâm và đi học, chọn hướng nghề nghiệp liên quan tới tinh thần. Mình thấy đây là sự phát triển bình thường của xã hội.

Bạn tác giả nói rằng hành trình giải quyết tổn thương tâm lý cần mất thời gian và đi qua nhiều bước (chỉ dựa trên 1 bài viết trên Psychology Today). Tuy nhiên, mình nghĩ các bước mà bạn tác giả muốn nói thuộc về khía cạnh "trị liệu" (therapy) - một phương pháp chữa bệnh (thuộc lĩnh vực y tế) được nghiên cứu và công nhận trên thế giới, còn công việc mà những người trong bài viết của bạn đang và muốn làm là "chữa lành" (healing) - có thể bao gồm từ yoga, châm cứu, massage, life coaching... Mỗi phương pháp lại có một cách thức thực hành riêng, quan trọng là có hợp với người muốn sử dụng dịch vụ đó hay không.

Mình không nghĩ rằng khi những người facilitator trong bài của tác giả tổ chức khoá chữa lành, họ đã cam đoan rằng mọi người sẽ được chữa lành sau vài tiếng. Mình nghĩ họ chỉ cố để tạo ra một không gian an toàn và cởi mở cho những người THỰC SỰ CẦN điều đó. Chính tác giả cũng biết tác dụng của những công cụ mà họ dùng, và cũng thấy người bạn đi cùng của mình và những người trong lớp thoải mái & nhẹ nhõm hơn sau khi học, thì chẳng phải là nó đã hiệu quả với họ hay sao?

Còn bạn tác giả - vốn không có nhu cầu, thêm việc mang sự hoài nghi khi tới lớp, thì dĩ nhiên bạn ấy không phải một học viên phù hợp cho lớp học của họ.



Nói tóm lại, mình biết là trong thế giới chữa lành và chăm sóc sức khoẻ tinh thần ở Việt Nam hiện tại vàng thau lẫn lộn, nhưng không có nghĩa nên chê trách cả một phong trào và tất cả những người làm nghề liên quan, đặc biệt khi bạn chưa thực sự trải nghiệm hết và cũng chưa có nhu cầu. Khi mà dịch vụ trị liệu, tham vấn, khai vấn, tư vấn,... cá nhân nhiều khi vượt quá khả năng chi trả của một người đang cần sự trợ giúp, thì việc họ tìm đến lớp học chữa lành để được chia sẻ và tìm sự cảm thông, tìm cộng đồng của mình, cũng là một điều ý nghĩa và hữu ích cho sức khoẻ tâm thần của họ ở thời điểm đó rồi.

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page