top of page
Ảnh của tác giảMai-Anh Tran

SELF-REFLECTION: Sự chiêm nghiệm đóng vai trò gì trong việc cải thiện sự tự tin?

Với những khách hàng tham gia chương trình khai vấn tự tin của mình, ở giai đoạn đầu sẽ luôn phải trải qua một thử thách mang tên Self-reflection, nghĩa là tự chiêm nghiệm về bản thân. Vì sao điều này lại quan trọng đến vậy?

Nói một cách đơn giản nhất, thử thách chiêm nghiệm bản thân chính là để mỗi người dành thời gian ngẫm nghĩ, đánh giá và rút ra bài học về những điều mà mình làm trong ngày. Với thời đại mà mọi người làm việc hối hả như ngày nay, việc chúng ta để một ngày trôi qua mà không nhớ nổi mình làm gì là một điều dễ dàng xảy ra. Điều đó khiến chúng ta khó lòng phát triển được bản thân mình.

Theo nghiên cứu của Giada Di Stefano, Francesca Gino, Gary Pisano và Bradley Staats tại các trung tâm cuộc gọi, có thể thấy rằng sau khi một số nhân viên dành 15 phút trong 10 ngày liên tục để chiêm nghiệm bản thân, họ nâng cao hiệu suất tốt hơn 23% so với những người không chiêm nghiệm (1). Một nghiên cứu khác về những người đi làm ở Vương quốc Anh cũng cho thấy kết quả tương tự khi những người dành thời gian để suy nghĩ và lên kế hoạch cho ngày của họ thường hạnh phúc hơn, làm việc hiệu quả hơn và ít bị kiệt sức hơn những người không chiêm nghiệm bản thân (1).

Trên thực tế, luôn có rất nhiều điều để bạn học hỏi từ những gì bạn đã làm, bao gồm những điều bạn làm tốt hay những sai lầm bạn mắc phải. Đó chính là cơ hội để bạn dừng lại, suy ngẫm và rút ra bài học của mình. Khi rút ra bài học rồi thì bạn sẽ không ngừng cải thiện và nâng cấp bản thân lên. Còn nếu bạn không dành thời gian rút ra bài học, thì chúng sẽ phai mờ trong tâm trí bạn cho đến khi bạn mắc lại sai lầm một lần nữa.

Tuy nhiên, khi tự chiêm nghiệm, bạn cũng nên cẩn thận với những câu hỏi mình đặt ra bởi chúng có thể lèo lái bạn đi theo hướng tiêu cực, hình thành nên những niềm tin giới hạn của bạn. Ví dụ, bạn sẽ nhìn bản thân như thế nào nếu mỗi ngày bạn luôn tự hỏi mình những câu như "Mọi người không yêu quý tôi ở điểm gì?" hay "Sự kém cỏi của tôi sẽ dẫn tôi đến đâu?"

Lý tưởng nhất là cuối mỗi ngày, bạn nên trả lời cả 2 câu hỏi:

1. Tôi đã làm tốt những điều gì? 2. Tôi cần cải thiện/có thể làm tốt hơn những điều gì?



Mình có một khách hàng (đã đồng ý chia sẻ) luôn dành đến cuối ngày để tự nhìn nhận lại xem bản thân đã mắc những sai lầm gì trong ngày. Đây là thói quen bạn giữ từ khi còn nhỏ, hệ quả của việc bị người lớn liên tục chỉ trích lỗi sai và quát mắng, đánh đập khi bạn làm sai điều gì. Nó đúng là self-reflection thật, nhưng lại chỉ tập trung vào những khía cạnh tiêu cực. Hệ quả là khi lớn lên, lúc nào bạn cũng cảm thấy bản thân kém cỏi, bị chỉ trích, bị coi thường, thất vọng về bản thân và luôn tự dằn vặt khi bị ai đó đưa ra feedback không tốt về mình. Sự tự tin của bạn tụt xuống còn level âm.

Với trường hợp này, mình phải hướng sự tập trung của bạn chuyển sang những điều bạn làm tốt trong ngày để cân bằng lại cán cân tích cực - tiêu cực trong cách bạn nhìn nhận bản thân. Mỗi ngày, bạn phải trả lời được câu hỏi: "Tôi đã làm tốt những điều gì trong ngày hôm nay?"

Ngày đầu tiên, bạn cảm thấy rất khó khăn khi viết ra những điều mình đã làm tốt. Chuyện đó là bình thường, bởi bao năm nay tâm trí của bạn chỉ tập trung vào những sai lầm và những gì mà bạn đã làm không tốt thôi. Tuy nhiên, mỗi ngày trôi qua bạn lại có thể viết dài hơn một chút. Sau 5 ngày tham gia thử thách Self-reflection, hôm qua bạn chia sẻ rằng, dạo này bạn đã có thể tự điều hướng được suy nghĩ của mình khi những khoảnh khắc không vui xảy ra, từ đó tránh được những cảm giác tổn thương, thất vọng về bản thân trước đây luôn thường trực.

Ờ thì, vấn đề cũng chỉ là vấn đề khi nhìn qua lăng kính của chúng ta thôi mà. Mình luôn nói rằng phiên coach sẽ giúp khách hàng mở ra những góc nhìn mới, nhưng để duy trì và áp dụng những suy nghĩ tích cực vào cuộc sống thường ngày thì bạn phải luyện tập. Luyện tập cho đến khi những góc nhìn này trở thành thói quen của bạn, thì khi ấy não của bạn sẽ không còn mất nhiều công sức hay năng lượng để bạn nhìn mọi thứ theo hướng tích cực nữa.

Ảnh minh hoạ bên dưới chỉ để vui, cường điệu hoá lên thôi. Nhưng nó cũng đúng một phần nào đó. Chúng ta về cơ bản có thể kiểm soát một phần ý thức của mình mà!



Nguồn tham khảo:

(1) Why You Should Make Time for Self-Reflection (Even If You Hate Doing It). Harvard Business Review

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page